Áp lực kép của Thép Hòa Phát

HÀ PHƯƠNG 06/08/2022 01:03

Nếu tính thêm cả khoản vay nợ 35.000 tỷ đồng từ 8 ngân hàng để triển khai dự án Dung Quất 2, tổng nợ phải trả của HPG có thể sẽ vượt vốn chủ sở hữu 98.000 tỷ đồng, gây mất an toàn tài chính cho HPG.

 Lãi ròng của HPG có xu hướng sụt giảm.

Lãi ròng của HPG có xu hướng sụt giảm.

>>> Nhà đầu tư lỗ vốn 70% với cổ phiếu của “vua thép” Trần Đình Long

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, HPG đã ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó chỉ hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Nợ vay “phình to”

Mới đây, HPG đã có thông báo về việc công ty con của tập đoàn là Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn của Việt Nam. Theo đó, Vietcombank và 7 ngân hàng thương mại khác gồm BIDV, Agribank, VietinBank, MBBank, TPBank, VPBank và MSB sẽ thu xếp khoản vay hợp vốn 35.000 tỷ đồng cho Hòa Phát Dung Quất để làm dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2.

Đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của HPG với các ngân hàng. Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 có quy mô hơn 280 ha, công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. HPG dự kiến hoàn thành dự án này trong 3 năm tới.
Sau khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của HPG sẽ tăng lên mức 14 triệu tấn/năm, trở thành 1 trong 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Tuy nhiên, vay nợ để đầu tư dự án trên sẽ khiến khối nợ của HPG ngày càng “phình to”. Tính đến cuối quý 1/2022, HPG có tổng nợ phải trả là 86.889 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm hơn 3/4 tổng nợ vay ngân hàng. Nếu tính thêm cả khoản vay nợ 35.000 tỷ đồng từ 8 ngân hàng để triển khai dự án Dung Quất 2, tổng nợ phải trả của HPG có thể sẽ vượt vốn chủ sở hữu 98.000 tỷ đồng, gây mất an toàn tài chính cho HPG.

>>> “Con rồng ngành thép” HPG bị bán xả hàng, cơ hội có đến với nhà đầu tư?

Thách thức lớn

Các dữ liệu thống kê thị trường cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá đã tăng lên mức trên 23.500 VND/USD- mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đối với các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các hoạt động nhập khẩu, tỷ giá tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó có HPG.
Được biết, HPG có một khoản vay trung - dài hạn (đáo hạn 2025) của Ngân hàng BNP Paribas bằng USD với dư nợ quy đổi tại 31/12/2021 là 2.821 tỷ đồng, với lãi suất 2,05%/năm. Theo quy định, khi lập BCTC, số dư các khoản vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ phải được đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Chính điều này sẽ làm phát sinh khoản lỗ/lãi tỷ giá hối đoái, tương ứng ghi nhận vào chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Câu chuyện tỷ giá USD/VND tăng có lẽ chưa dừng lại ở quý 2/2022. Do đó, HPG có thể sẽ còn có nguy cơ lỗ do chênh lệch tỷ giá trong thời gian tới. Bởi vì, HPG còn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh cho dự án Dung Quất 2, nên toàn bộ máy móc, thiết bị quan trọng đều được nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc hoạt động lại bình thường, nên thị trường thép Việt Nam có thể đối diện với nhiều khó khăn hơn khi các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc có sức cạnh tranh tốt hơn.

Ngoài ra, sản lượng thép của HPG từ tháng 6/2022 có thể sẽ khó duy trì mức tăng trưởng trên 10% khi thị trường xây dựng nội địa bị ảnh hưởng nhiều từ lạm phát và kiểm soát tín dụng cho bất động sản. 

Có thể bạn quan tâm

  • Biến động tỷ giá tác động thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

    Biến động tỷ giá tác động thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

    05:00, 02/08/2022

  • Lo lạm phát và tỷ giá, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt

    Lo lạm phát và tỷ giá, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt

    05:00, 30/07/2022

  • Tỷ giá bất ổn liệu rồi sẽ ổn?

    Tỷ giá bất ổn liệu rồi sẽ ổn?

    09:05, 29/07/2022

  • Ứng phó rủi ro tỷ giá

    Ứng phó rủi ro tỷ giá

    17:00, 26/07/2022

HÀ PHƯƠNG