Giá vàng tuần tới: Đòn bẩy từ nguy cơ vỡ nợ của Mỹ
FED “chùn tay” tăng lãi suất, Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật… sẽ là những yếu tố hậu thuẫn cho đà tăng giá vàng tuần tới.
>> Giá vàng năm 2023 sẽ “nổi sóng” lớn
Đúng như dự báo, giá vàng đã liên tục bật tăng từ đầu năm 2023. Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã tiếp tục tăng mạnh từ 1.866 USD/oz lên mức 1.921 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.920 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng mạnh từ mức 66,6 triệu đồng/lượng lên mức 67,4 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong tuần này do thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng FED sẽ thu hẹp mức tăng lãi suất và tiến tới sớm ngừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện nay trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Bên cạnh đó, dù kinh tế Mỹ đã có tín hiệu phục hồi tích cực trong quý 3/2022 (GDP quý 3 tăng 3,2% sau 2 quý đầu năm tăng trưởng âm), nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề trần nợ công.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho biết nước này có thể sẽ chạm giới hạn trần nợ công theo luật định vào ngày 19/1 tới (Trần nợ công của Mỹ hiện nay ở mức hơn 31,4 nghìn tỷ USD, tính đến nay nợ của Mỹ đã gần chạm mức trần này). Do đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải thực hiện một số biện pháp đặc biệt để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời. Nếu Quốc hội Mỹ không sớm đạt được thỏa thuận tăng hoặc tạm thời ngừng trần nợ công, thì nước Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Điều này sẽ khiến Chính phủ phải ngừng một số hoạt động, tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.
Những lo ngại về việc Mỹ có khả năng không trả được các nghĩa vụ nợ của mình đã gia tăng gần đây khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số mỏng manh trong Hạ viện dự kiến sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán. Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa đã nói rằng bất kỳ sự gia tăng giới hạn trần nợ nào cũng cần phải đi kèm với việc cắt giảm sâu chi tiêu.
Dù các nhà lập pháp Mỹ không bao giờ để tình trạng vỡ nợ kỹ thuật của Mỹ kéo dài quá lâu, nhưng điều này sẽ gây bất ổn tâm lý các nhà đầu tư tài chính, khiến họ tìm đến các tài sản trú ẩn, như vàng… Đây là lý do chính đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.920 USD/oz trong tuần này.
Ông Edward Moya, Chuyên gia phân tích cao cấp của Tập đoàn OANDA cho biết: “Chúng tôi biết vấn đề trần nợ sẽ trở thành một vấn đề nóng của Mỹ trong đầu năm 2023, nhưng chúng tôi không ngờ nó sẽ nổi lên sớm như vậy. Điều này sẽ còn tác động tích cực đến giá vàng tuần tới nói riêng và giá vàng ngắn hạn nói chung.
>> Giá vàng tuần tới: Tạo “bước đệm” để bật tăng đầu năm mới
Ngoài ra, nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng dự trữ vàng cũng đã và đang hỗ trợ cho đà tăng giá vàng năm 2023. Trong tuần này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo đã mua thêm 30 tấn vàng trong tháng 12/2022 sau khi mua 32 tấn vàng trong tháng 11/2022. Động thái này của Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của đồng Nhân dân tệ để thách thức với đồng USD.
Theo ông Moya, giá vàng sẽ đối mặt với mức kháng cự tiếp theo tại mức 1.950 USD/oz , và nếu mức đó bị phá vỡ, sẽ không có nhiều rào cản giá vàng quay trở lại mức 2.000 USD/oz.
Mặc dù giá vàng tuần tới có thể sẽ còn tăng cao hơn, nhưng một số chuyên gia phân tích khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng ở các mức này và không nên chạy theo thị trường. Bởi các chỉ số phân tích kỹ thuật, như RSI, Stochastic… đã cho thấy giá vàng nằm trong vùng vượt mua.
Ông Darin Newsom, Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Barchart, nói rằng ông thấy giá vàng đang có xu hướng tăng cao hơn cả trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư giá lên có thể phải tìm điểm chốt lời vì giá vàng có thể nhanh chóng điều chỉnh trước khi tăng trở lại.
“Chìa khóa cho đà tăng giá vàng ngắn hạn sẽ là đồng USD, nhưng đồng tiền này đã rơi vào vùng quá bán ngắn hạn. Do đó, USD rất có thể sẽ phục hồi kỹ thuật, khiến giá vàng chịu sức ép điều chỉnh”, ông Newson nhận định.
Có thể bạn quan tâm