GC Food: TS Đinh Thế Hiển vào HĐQT, dự kiến tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận
Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food, UpCOM: GCF) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023 sáng ngày 7/4 tại TP HCM.
>> Kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng kéo ngành thực phẩm - đồ uống
Theo các tờ trình đã được ĐHĐCĐ thông qua, năm 2023, đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 hơn 523 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế gần 27 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.
ĐHĐCĐ GCF đã thông qua nhiều nội dung quan trọng
Công ty cũng đặt mục tiêu tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư trong 3 năm dự kiến là 438,8 tỷ đồng, trong đó vốn của Công ty dự kiến là 220,8 tỷ đồng, dự kiến giúp tăng doanh số và lợi nhuận gấp đôi so với năm 2022.
Nguồn vốn đầu tư sẽ được GCF tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi theo hướng tăng cường công nghệ, mở rộng sản xuất và phát triển vùng các nguyên liệu để tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh.
Theo đó, GCF sẽ đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm mới của CTCP Thực phẩm Cánh đồng Việt, đầu tư sản phẩm mới hóa mỹ phẩm trên chất liệu nha đam, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nha đam quy mô lớn, đầu tư công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của CTCP Nắng và Gió, đầu tư nhà máy sản xuất nước ép nha đam và trái cây, đầu tư Trang trại nuôi tôm Mũi Dinh.
Tại ĐHĐCĐ, cổ đông GCF đã thông qua kế hoạch dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 100 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 360 tỷ đồng thông qua phát hành 10 tỷ đồng cổ phiếu ESOP theo mệnh giá dành cho cán bộ, chuyên viên chủ chốt của Công ty; phát hành 20-30 tỷ đồng cổ phiếu cho các đối tác đóng góp phát triển của Công ty với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cp; phát hành 60-70 tỷ đồng cổ phiếu cho các tổ chức tài chính với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp.
Cùng với đó, là kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa 2.454.400 cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 24.544.000.000 đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất có kiểm toán của năm 2022. Kế hoạch cổ tức cho năm 2023 là trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 8%.
Để đáp ứng yêu cầu của 1 công ty đại chúng, chuẩn bị niêm yết lên sàn HOSE, ĐHĐCĐ đã thông qua bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập. Theo đề cử của HĐQT, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển là ứng viên duy nhất cho vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, người vừa trúng cử vào HĐQT của GCF nhiệm kỳ tới 2026 là chuyên gia Kinh tế - Tài chính, Đầu tư uy tín. Ông sinh năm 1961, trải qua nhiều vị trí nghiên cứu, quản lý và tham gia tại doanh nghiệp. Kể từ năm 2004 đến nay, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển từng làm thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Thế kỷ 21 (13/4/2013 - 20/4/2019) và Phó trưởng phòng Thẩm định Quỹ đầu tư TP. Hồ Chí Minh (1997 - 2004), Thành viên Hội đồng đầu tư và Ủy ban chiến lựơc Eximbank. Ông cũng là Chủ tịch Ban Đại diện quỹ đầu tư ManuLife và từng là Chủ nhiệm đề án Cổ phần hóa và tái cấu trúc cho công ty Legamex, công ty Sagimexco, tham gia xây dựng đề án CPH cho Vinamilk... Đồng thời tư vấn lập cấu trúc nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp và lập và thẩm định dự án đầu tư cho nhiều doanh nghiệp.
GC Food được mệnh danh là doanh nghiệp "vua nha đam" với nhiều sản phẩm nha đam tự nhiên được chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao cho nông nghiệp thực phẩm. Ảnh: Các sản phẩm của GCF
Được biết, cùng với bầu thành viên HĐQT độc lập, GCF cũng thành lập Ban chiến lược phát triển trực thuộc HĐQT, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch, tham mưu cho HĐQT trong việc xây dựng chiến lược phát triển, nghiên cứu đầu tư và quản lý các công ty thành viên, công ty liên kết đầu tư và hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng thông qua tờ trình miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát là bà Nguyễn Thị Trường San theo nguyện vọng cá nhân và bầu bổ sung ông Vũ Anh Tài (sinh 1989) vào danh sách bầu cử Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021 -2026. Ông Vũ Anh Tài có bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh.
Tại Đại hội kỳ này, GCF còn có kế hoạch sửa đổi điều lệ, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh là buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp (trừ việc thực hiện xuất khẩu, phân phối đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo quy định pháp luật).
HĐQT và BKS GCF nhiệm kỳ 20021-2026 với các thành viên mới vừa trúng cử
GCF sửa đổi điều lệ về số lượng thành viên HĐQT, nâng lên số lượng từ 3 đến 11 thành viên.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GCF, năm 2022, ngành thực phẩm nói chung và thực phẩm đóng gói nói riêng được kỳ vọng dần hồi phục nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nhu cầu tiêu dùng quay lại như trước dịch. Nhiều thách thức trong và ngoài nước đã xảy ra, thách thức đối với hoạt động kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp. Đáng chú ý, ông Thứ cho biết, hầu hết các công ty F&B đều thu hẹp tỷ suất lợi nhuận do chi phí sản xuất, bao gồm giá nguyên vật liệu và giá dầu thô tăng cao (dẫn đến chi phí đóng gói và vận chuyển tăng). Hầu hết các thương hiệu F&B đều tăng giá bán lẻ khoảng 4-10% trong năm 2022, nhưng mức này không đủ bù đắp hoàn toàn phần chi phí gia tăng.
Năm 2023 được đánh giá có thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của GCF đều đặt tích cực so với năm 2022 cho thấy sự nỗ lực nhưng thận trọng của công ty với các định hướng thực hiện chiến lược đầu tư, phát triển bền vững - lâu dài.
Có thể bạn quan tâm