Công ty chứng khoán: Phân hóa lợi nhuận quý 2

ĐÌNH ĐẠI 25/07/2023 04:40

Nhiều công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, nhưng bên cạnh đó, lại vẫn có những công ty có kết quả tích cực nhờ mảng tự doanh.

>>>Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?

EVS, VPS và KBSV kinh doanh kém sắc

lãi sau thuế của EVS chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãi sau thuế của EVS chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty CP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 63 tỷ đồng, giảm mạnh 82% so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là hoạt động tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) hơn 45 tỷ đồng, giảm 77%. Lãi từ cho vay và phải thu, cùng với doanh thu môi giới chứng khoán lần lượt giảm 73% và 63%, còn gần 10 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Tương tự, chi phi hoạt động cũng giảm mạnh 84%, gần 29 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ tài sản tài chính FVTPL hơn 11 tỷ đồng, giảm 76%. Sau khi trừ chi phí và thuế, lãi sau thuế của EVS chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo EVS, quý II/2023, thanh khoản thị trường giảm, dẫn tới doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán, doanh thu hoạt động cho vay giảm; mảng doanh thu từ hoạt động đại lý phát hành chứng khoán cũng giảm mạnh; đồng thời giá cổ phiếu giảm làm doanh thu hoạt động tự doanh giảm mạnh dẫn đến kết quả kinh doanh giảm nhiều so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của EVS đạt hơn 125 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 142 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Chứng khoán VPS (VPSS) ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán và lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lần lượt đạt 613 tỷ đồng và 594 tỷ đồng, tương ứng giảm 14% và 37% so với cùng kỳ.

VPS báo lãi trước thuế trong quý II/2023 đạt 83 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

VPS báo lãi trước thuế trong quý II/2023 đạt 83 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi từ cho vay và phải thu của Công ty cũng giảm 13% về còn 279 tỷ đồng. Tổng doanh thu hoạt động quý II của VPS đạt 1.557 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.

Về chi phí, lỗ từ tài sản FVTPL và chi phí môi giới đạt lần lượt 626 tỷ đồng và 477 tỷ đồng, giảm 32% và 26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí tự doanh của Công ty trong quý II cũng ghi nhận giảm 32%, xuống còn 49 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp ghi nhận 1.175 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, VPS báo lãi trước thuế trong quý II/2023 đạt 83 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động và lãi trước thuế của doanh nghiệp này đạt lần lượt là 2.919 tỷ đồng và 257 tỷ đồng, giảm lần lượt 38% và 56% so với cùng kỳ. Với kết quả này, VPS hoàn thành được 32% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023.

Đối với Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 14%, nhưng lợi nhuận sau thuế cũng “đi lùi” 18% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu hoạt động của KBSV đạt hơn 308 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.

lợi nhuận sau thuế giảm 18% xuống còn 62 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của KBSV giảm 18% xuống còn 62 tỷ đồng.

Lãi từ các tài sản tài chính FVTPL hơn 62 tỷ đồng, tăng 58%; trong khi lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) gần 56 tỷ đồng, gấp gần 3 lần. Bên cạnh đó, lãi cho vay và phải thu đạt 132 tỷ đồng, tăng 2%. Tuy nhiên, hoạt động môi giới chứng khoán của doanh nghiệp này thu về hơn 56 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.

Tổng chi phí hoạt động trong quý II của KBSV là 69 tỷ đồng, giảm 20%. Trong đó, lỗ các tài sản FVTPL chỉ hơn 780 ngàn đồng, trong khi, cùng kỳ lỗ 321 triệu đồng. Chi phí môi giới giảm 26% xuống còn 61 tỷ đồng. Các chi phí lưu ký chứng khoán và chi phí tư vấn tài chính cùng ở mức 1,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 7% và 40%.

Sau khi trừ chi phí, lãi gộp hoạt động kinh doanh đạt 239 tỷ đồng, tăng 30%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 18% xuống còn 62 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay tăng mạnh lên 31% và 89% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ hoạt động của doanh nghiệp đạt 567 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng lãi sau thuế giảm 24% so với cùng kỳ, xuống còn 159 tỷ đồng.

>>>Chứng khoán HSC: Doanh thu từ cho vay ký quỹ có tỷ trọng cao

VDS, CTS lãi lớn nhờ mảng tự doanh

Nhờ điểm sáng từ mảng tự doanh, Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 105 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 234 tỷ đồng.

Nhờ điểm sáng từ mảng tự doanh, lợi nhuận sau thuế của VDS đạt hơn 105 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 234 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nhiều công ty Chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ hoạt động tự doanh có nhiều nổi bật. Cụ thể, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (HoSE: VDS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 188 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 105 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 234 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh nghiệp mang về hơn 73 tỷ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, doanh thu môi giới chứng khoán đạt 59 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong quý II, hoạt động tự doanh là một điểm sáng lớn của doanh nghiệp này, nhờ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 48 tỷ đồng (cùng kỳ âm 20 tỷ đồng); trong khi, chi phí từ khoản lỗ tài sản FVTPL ghi âm 68 tỷ đồng (cùng kỳ lên tới gần 270 tỷ đồng). Khấu trừ chi phí tự doanh, VDS lãi gần 100 tỷ đồng ở mảng này, cùng kỳ lỗ hơn 290 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động của VDS đạt 326,5 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 161 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 129 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HoSE: CTS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ mảng tự doanh khởi sắc. Theo đó, doanh thu hoạt động của CTS đạt 379 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 76,5 tỷ đồng, tăng mạnh 2.083% so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế đạt 76,5 tỷ đồng, tăng mạnh 2.083% so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế của CTS đạt 76,5 tỷ đồng, tăng mạnh 2.083% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu hoạt động của CTS, mảng tự doanh mang về lợi nhuận hơn 84 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 17 tỷ đồng. Trong khi, nhiều khoản đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn đang lỗ, công ty thực hiện chốt lời nhiều mã trong danh mục đã nắm giữ nhiều năm trước đó.

Cụ thể trong quý vừa qua, việc bán cổ phiếu đem lại hơn 140 tỷ đồng lợi nhuận cho CTS. Ngoài ra, giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu đem lại lợi nhuận gần 8 tỷ đồng cho công ty.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới đem lại gần 24,6 tỷ đồng trong quý II, thấp hơn mức 26,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động cho vay đem lại gần 55,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 24%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động của CTS đạt gần 327 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 161 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận năm.

2 kịch bản cho thị trường 6 tháng cuối năm

Trong báo cáo Vĩ mô 6 tháng cuối năm, Chứng khoán VNDirect cho biết, sau đà hồi phục ấn tượng đầu năm 2023, VN- INDEX đối mặt với áp lực giảm điểm trước những rủi ro từ cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, VN-INDEX đã phục hồi đáng kể từ tháng 3/2023, đạt 1.132 điểm, tăng 12,4% so với đầu năm vào ngày 26/06/2023.

Tương ứng, kể từ đầu năm 2023, HNX-INDEX tăng 12,5% so với đầu năm và UPCOM-INDEX tăng 19,5% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường chứng khoán cũng đã tăng trở lại kể từ tháng 4/2023, do được thúc đẩy bởi mặt bằng lãi suất thấp hơn

Theo VNDirect, giá trị giao dịch bình quân của ba sàn giảm 45,2% so với cùng kỳ xuống còn 13.732 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên những tháng gần đây, thanh khoản thị trường có dấu hiệu phục hồi khi tăng mạnh 3 tháng liên tiếp sau đợt cắt giảm lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN vào tháng 3.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới giảm đáng kể so với cùng kỳ xuống còn 266.234 tài khoản trong 5 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, song song với sự hồi phục của thanh khoản, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.624 tài khoản trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Chỉ số vốn hóa nhỏ (VNSML) tăng vượt trội trong 6 tháng đầu năm do nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi. Từ đầu năm 2023, chỉ số VNSML vượt trội với mức tăng 26,9%. Trong khi đó, nhóm VNMID (cổ phiếu vốn hóa trung bình) vượt qua VN-INDEX với mức tăng 14,5% so với đầu năm trong khi VN30 tăng 12,5% so với đầu năm, đi sát với VN-INDEX tăng 12,4% so với đầu năm.

Về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm, ở kịch bản cơ sở, VNDirect dự phóng VN-INDEX có thể đạt 1.300 điểm trong nửa sau năm 2023, tương ứng với mức P/E năm 2023 là 13,3 lần. Còn đối với kịch bản tiêu cực, VN-INDEX sẽ giao dịch xung quanh mốc 1.100 điểm trong nửa sau năm 2023, tương ứng với mức P/E năm 2023 là 11,7 lần.

Có thể bạn quan tâm

  • “Nhịp đập” chứng khoán cuối năm

    “Nhịp đập” chứng khoán cuối năm

    14:06, 24/07/2023

  • Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?

    Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?

    04:08, 24/07/2023

  • Chứng khoán Vietcap: Lãi trước thuế 211 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023

    Chứng khoán Vietcap: Lãi trước thuế 211 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023

    13:41, 21/07/2023

  • Chứng khoán HSC: Doanh thu từ cho vay ký quỹ có tỷ trọng cao

    Chứng khoán HSC: Doanh thu từ cho vay ký quỹ có tỷ trọng cao

    15:29, 20/07/2023

  • Rộng cửa cho doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán

    Rộng cửa cho doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán

    11:59, 19/07/2023

ĐÌNH ĐẠI