Cổ phiếu ngành gạo "nổi sóng" theo giá gạo

ĐÌNH ĐẠI 09/08/2023 14:50

Trong bối cạnh giá gạo liên tục tăng cao, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo cũng được hưởng lợi với nhiều mã tăng trần nhiều phiên liên tiếp.

>>>Triển vọng cho ngành gạo

Cố phiếu tăng "nóng"

Theo đó, Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang – Angimex (HoSE: AGM) vừa chứng kiến giá cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Cụ thể, giai đoạn từ 24/07 - 04/08, giá cổ phiếu AGM đã tăng trần liên tiếp 10 phiên, nâng thị giá lên 11.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu AGM tiếp tục tăng trần thêm 2 phiên liên tiếp ngày 07 và 08/8 nữa, nối dài chuỗi tăng trần liên tiếp lên 12 phiên, thị giá chạm ngưỡng 13.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm 21/07, thị giá cổ phiếu AGM đã tăng gấp hơn 2 lần.

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo cũng được hưởng lợi.

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo cũng được hưởng lợi.

Theo văn bản giải trình, doanh nghiệp cho biết, hiện tại, thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam vẫn đang biến động tăng giá do tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine và ảnh hưởng từ khí hậu, cụ thể là tình trạng El Nino. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo khiến giá lương thực tăng vọt.

Về việc giá cổ phiếu tăng trần, AGM cho rằng, là do cung cầu thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và Công ty không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoán.

Một doanh nghiệp ngành gạo khác là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (UPCoM: VSF) cũng có chuỗi tăng trần 10 phiên liên tiếp, mức tăng này của VSF thậm chí còn ấn tượng hơn AGM, khi tăng một mạch hơn 367% chỉ sau hơn 2 tuần, lên mức giá 37.400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 08/8). Đây cũng là mức cao nhất của VSF kể từ khi niêm yết.

Tương tự, cổ phiếu MCF của Công ty CP Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm (HNX: MCF) cũng ghi nhận chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 02 - 08/8, đưa thị giá cổ phiếu này vượt mệnh giá và chạm mức 13.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng gần 45% thị giá chỉ trong 5 phiên giao dịch.

Giải trình việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến, kinh doanh lương thực chiếm trên 80% doanh thu hằng năm của Công ty. Gần đây, giá gạo trên thị trường thế giới và trong nước có dấu hiệu tăng mạnh. Nắm bắt được thông tin thị trường, nhà đầu tư tìm kiếm các mã chứng khoán liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực để đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Do đó, giá cổ phiếu MCF tăng hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán

Không chỉ có cổ phiếu AGM, VSF hay MCF tăng “bốc đầu” chỉ trong thời gian ngắn, thị giá của nhiều cổ phiếu ngành gạo khác cũng đã tăng trưởng mạnh từ vùng đáy giá hồi cuối năm 2022 như PAN tăng 80%, LTG, TAR tăng gấp đôi, đưa thị giá các cổ phiếu ngành gạo này nhanh chóng chạm mức giá cao nhất trong vòng hơn 10 tháng, thậm chí lên vùng giá cao nhất gần 2 năm. 

Đà tăng mạnh của các cổ phiếu ngành gạo diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo, khiếu giá gạo liên tục tăng mạnh. Điều này được giới chuyên gia đánh giá là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngành gạo của Việt Nam.

Theo đó, sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 4/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn.

Cùng với đó, gạo 25% tấm cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã chính thức vượt mức 4,2 triệu tấn, với giá trị 2,26 tỷ USD, tăng mạnh 21% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức tăng trưởng nửa năm cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.

>>>Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững "ngôi vương"

Kết quả kinh doanh phân hóa

Mặc dù thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành gạo tăng mạnh theo diễn biến của giá gạo, tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành gạo thì không phải tất cả đều tăng trưởng tốt. Thậm chí, có doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.

Điểm sáng nổi bật nhất về kinh doanh của ngành thuộc về Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (HoSE: LTG). Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, LTG mang về 6.130 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng lương thực (lúa, gạo) tiếp tục là “đầu tàu” đóng góp 4.220 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ; tiếp đến là mảng thuốc bảo vệ thực vật (1.536 tỷ đồng)...

Mặc dù quý đầu năm, LTG lỗ hơn 80 tỷ đồng - mức lỗ hàng quý lớn nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này, nhưng với kết quả lãi khủng quý II (gần 426 tỷ đồng), đã giúp lãi ròng bán niên của LTG tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, lên hơn 345 tỷ đồng.

Tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam - CTCP (UpCOM: VSF), doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mặc dù chỉ đạt gần 10 tỷ đồng, nhưng cũng đã cao hơn gấp đôi so với mức lợi nhuận đạt được của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, PAN mang về hơn 5.309 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt hơn 105 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR), mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm tăng mạnh 46% so với cùng kỳ, lên 2.513 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 606 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý II, doanh nghiệp này lỗ 8 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng gần gấp 3 lần, lên 1.615 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ảm đạm nhất là AGM, doanh nghiệp này báo lỗ 67 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - cao hơn rất nhiều so với con số lỗ 6,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần cũng giảm mạnh 86% so với cùng kỳ, xuống còn 322 tỷ đồng. Kết quả này khiến cho mục tiêu có lãi 12 tỷ đồng trong năm nay của AGM trở lên khó khăn.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự phân hóa, thì nhìn về tổng quan chung, ngành gạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi bởi nguồn cung lương thực trên thế giới thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao.

Đặc biệt, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga và UAE... có thể sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023. Đây là những tín hiệu tích cực giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gạo trong 6 tháng cuối năm. 

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng cho ngành gạo

    Triển vọng cho ngành gạo

    04:00, 25/07/2023

  • Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững

    Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững "ngôi vương"

    04:00, 03/07/2023

  • Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng ngành gạo?

    Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng ngành gạo?

    03:00, 28/06/2023

  • Doanh nghiệp ngành gạo đang làm ăn ra sao?

    Doanh nghiệp ngành gạo đang làm ăn ra sao?

    04:30, 23/05/2023

  • Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa

    Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa

    05:00, 24/11/2022

ĐÌNH ĐẠI