Ngành gạo sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tiếp tục tăng do nguồn cung được dự báo sẽ thâm hụt trong năm 2023 và nhu cầu nhập khẩu tăng do nhu cầu dự trữ lương thực tại các quốc gia tăng cao.
>>Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo
Trong báo cáo ngành gạo mới đây, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm tăng mạnh về lượng và giá và nhu cầu tại các thị trường chính tăng lên. Theo đó, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, tương đương 2,057 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo VFS, giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 529 USD/tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động xuất khẩu gạo đang diễn ra sôi động hơn nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường chính như Philippines, Trung Quốc và Indonesia…. Và nguồn cung dồi dào được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã khởi sắc trở lại kể từ đầu năm nay sau khi nước này tái mở cửa nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch. Đáng chú ý xuất khẩu sang Indonesia tăng mạnh do từ cuối năm ngoái chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã đẩy mạnh các hoạt động nhập khẩu gạo để tăng cường kho dự trữ quốc gia.
Theo VFS, triển vọng của ngành gạo trong năm 2023 đến từ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên do thời tiết bất lợi. Cụ thể, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022/2023 do hạn hạn kéo dài. Bên cạnh đó, tồn kho tại Phillipines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Trong đó, 500.000 tấn sẽ được nhập khẩu sớm nhất có thể. Tại châu Âu, thời tiết khô hạn đang khiến cây trồng héo úa và làm chậm hoạt động gieo trồng ở một số quốc gia sản xuất nông sản hàng đầu châu Âu.
Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm 2022 với mưa nhiều, và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, cho ra sản lượng ổn định (theo dự báo USDA). Dù khả năng xuất hiện El Nino tăng cao từ tháng 6 trở đi khiến nhiệt độ tăng cao, giảm lượng mưa, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vẫn dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.
>>>Doanh nghiệp ngành gạo đang làm ăn ra sao?
Yếu tố thứ hai thúc đẩy triển vọng ngành gạo Việt Nam là chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ Châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới gia tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Ngày 23/5, NHNN đã có quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023 sau khi đã giảm 2 lần vào tháng 3 năm 2023. Theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
“Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay, các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Chi phí lãi vay tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy với kỳ vọng NHNN tiếp tục giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí lãi vay và cải thiện biên lợi nhuận”, VFS đánh giá.
Mặc dù thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung các doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 đi lùi. Nguyên nhân chính, theo VFS là do chi phí lãi vay/ lợi nhuận gộp chiếm tỷ trọng lớn nên đã bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh thu quý I/2023 của PAN đạt 2.531 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 1.036 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm mạnh hơn doanh thu là do công ty không còn khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy gần 74 tỷ đồng.
Tương tự, TAR cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 6% so với cùng kỳ; Lợi nhuận ròng giảm mạnh 68%, còn gần 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, với LTG, mặc dù doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ, lên 2.450 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn vẫn lỗ hơn 81 tỷ đồng và là quý lỗ cao nhất trong vòng 7 năm qua của Lộc Trời.
Tuy nhiền, VFS cho rằng, TAR hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh - Tỷ trọng xuất khẩu của TAR chiếm 15% tổng doanh thu trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng cao và cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp. TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Còn đối với LTG, việc ký kết hiệp định EV-FTA mở ra cơ hội cho LTG vào thị trường EU. Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính của LTG. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng cao và cải thiện doanh thu cho LTG. Ngoài ra, việc sáp nhập CTCP Lương thực Lộc Nhân giúp tăng công suất kỳ vọng mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho LTG trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm