Chính sách ngắt mạch TTCK của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam
Thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta vẫn chưa thiết lập cơ chế ngắt mạch thị trường; tuy nhiên đây sẽ là cơ chế cần sớm xây dựng vì sẽ phát sinh...
>>>VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ: Mở đường cho những khát vọng
Vai trò của bộ ngắt mạch giao dịch trên TTCK
Theo định nghĩa của Liên đoàn các Sở giao dịch thế giới, ngắt mạch thị trường (Circuit breaker) được định nghĩa là một cơ chế tạm thời ngừng giao dịch liên tục của một hoặc nhiều chứng khoán do biến số thị trường vượt quá một số ngưỡng đã được xác định trước. Hay nói cách khác, ngắt mạch thị trường là việc tạm dừng giao dịch để có thể kiềm chế sự biến động quá mức và khôi phục trật tự giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đối với hầu hết các quốc gia, chính sách ngắt mạch trên thị trường chứng khoán áp dụng cho hầu hết các sản phẩm có mặt trên thị trường như cổ phiếu, trái phiếu, quyền chọn và hợp đồng tương lai. Bộ ngắt mạch có vai trò chiến lược quan trọng trong việc duy trì sự ổn định trên thị trường chứng khoán quốc gia. Trong giai đoạn hỗn loạn, tình trạng bán tháo có thể xảy ra, bộ ngắt mạch là công cụ nhằm khôi phục lại sự ổn định vốn có của thị trường.
Tuy nhiên, bộ ngắt mạch có thể gây ảnh hưởng đối với động lực giá và hành vi giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường. Cụ thể trong nghiên cứu về “Mặt tối của bộ ngắt mạch thị trường chứng khoán”, Hui Chen và các cộng sự (2019) đã chứng minh cho lập luận thị trường càng gần bộ ngắt mạch, áp lực bán càng mạnh và giá cổ phiếu sẽ càng giảm. Đơn cử như khi thị trường giảm xuống gần ngưỡng ngắt mạch, biến động giá có xu hướng tăng mạnh, việc áp dụng chính sách ngắt mạch sẽ khiến (1) biến động giá tiêu cực trở nên dễ xảy ra hơn, (2) hoạt động giao dịch bất thường tăng lên, gián tiếp làm mất ổn định giá cả trong thời gian thị trường sụt giảm mạnh.
>>>Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tương quan với lãi suất
Lịch sử ngắt mạch thị trường của NYSE
Những sự kiện ngắt mạch (tạm dừng hoặc đóng cửa) trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đã ngừng giao dịch kéo dài một tuần sau sự kiện ám sát tổng thống Mỹ Abraham Lincoln vào năm 1865.
Năm 1873, NYSE đóng cửa trong 10 ngày do tình hình nghiêm trọng xuất phát từ việc phá sản của Jay Cooke & Company - Ngân hàng Hoa Kỳ bảo lãnh phát hành trái phiếu kho bạc. Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và NYSE phải tạm dừng hoạt động trong bốn tháng. Năm 2008, giao dịch trên NYSE đã phải tạm dừng nhiều lần sự hỗn loạn của cuộc khủng hoảng nhà ở. Năm 2015, NYSE đã tạm ngừng hoạt động trong vài giờ vì trục trặc kỹ thuật của sàn giao dịch. Năm 2020, cơ chế ngắt mạch thị trường đã lặp lại nhiều lần trên NYSE do những lo sợ về thông tin từ Virus corona, và sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 kéo dài trong vòng 2 năm sau đó.
Chính sách ngắt mạch thị trường chứng khoán của một số quốc gia
Tại Ấn Độ, chính sách về bộ ngắt mạch thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán đã được thiết lập trong Thông tư số SMRPD (Thông tư 37) của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) vào ngày 28/06/2001, và có hiệu lực từ ngày 02/07/2001.
Hệ thống ngắt mạch toàn thị trường dựa trên chỉ số áp dụng ở 3 giai đoạn của biến động chỉ số ở các mức: 10%, 15% và 20%. Cơ chế ngắt mạch xảy ra khi thị trường đạt đến các giới hạn được quy định, hệ thống kích hoạt sẽ dẫn đến việc tạm dừng giao dịch trên toàn thị trường chứng khoán. Bộ ngắt mạch sẽ đánh giá dựa trên mức độ biến động của chỉ số Nifty 50. Việc tính toán các giới hạn của bộ ngắt mạch chỉ số cho các mức 10%, 15% và 20% hàng ngày dựa trên mức đóng cửa của ngày hôm trước, được làm tròn đến con số đánh dấu gần nhất.
NIFTY 50 là chỉ số chứng khoán được 50 nhà đầu tư ở Ấn Độ và trên thế giới sử dụng rộng rãi như một thước đo thị trường vốn. Chỉ số NIFTY 50 được Sở giao dịch chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE) đưa vào vận hành năm 1996.
Tại Hoa Kỳ, Quy tắc Bộ ngắt mạch toàn thị trường (MWCB) được sửa đổi và áp dụng từ ngày 08/04/2013. Bộ ngắt mạch thị trường chứng khoán là công cụ tạm dừng giao dịch trên thị trường nếu giá thị trường tăng hoặc giảm nghiêm trọng đạt đến mức có thể làm gia tăng hoặc cạn kiệt thanh khoản của thị trường. Trong một số trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể thực hiện đóng cửa thị trường trước khi phiên giao dịch kết thúc.
Theo Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Hoa Kỳ (SEC), ngưỡng kích hoạt bộ ngắt mạch tạm dừng giao dịch trên thị trường được chia làm 3 cấp độ, tương ứng các tỷ lệ là: 7% (Cấp 1), 13% (Cấp 2) và 20% (Cấp 3). Các mức điểm sẽ được tính toán hàng ngày dựa trên giá đóng cửa của Chỉ số S&P 500 vào ngày hôm trước.
Ngoài ra, SEC cũng thiết lập các quy định về bộ ngắt mạch đơn nhằm ngăn chặn những biến động giá lớn, đột ngột của một cổ phiếu. Bộ ngắt mạch đơn sẽ thiết lập giới hạn 2 chiều: giới hạn lên và giới hạn xuống trong dải giá. Dải giá này được đặt ở mức phần trăm trên và dưới mức giá trung bình của cổ phiếu trong khoảng thời gian giao dịch năm phút ngay trước đó. Các dải giá này lần lượt ở mức biến động 5%, 10%, 20% tùy thuộc vào cấp độ cổ phiếu (cấp 1 hoặc cấp 2) dựa theo nguyên tắc của hệ thống thị trường quốc gia (NMS). Nếu giá cổ phiếu di chuyển đến dải giá và không di chuyển trở lại trong dải giá trong vòng 15 giây, giao dịch cổ phiếu sẽ tạm dừng trong năm phút.
Tại Thái Lan, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) áp dụng bộ ngắt mạch thị trường ở 3 giai đoạn là 8% (giai đoạn 1), 15% (giai đoạn 2) và 20% (giai đoạn 3). Hệ thống sẽ tính mức ngắt mạch dựa trên điểm số phiên đóng cửa của ngày hôm trước. Thời gian tạm ngừng giao dịch được tính như sau:
Về cơ chế kích hoạt, sau giai đoạn 3, SET sẽ tiếp tục khớp lệnh cho đến khi thị trường đóng phiên và không còn thị trường tạm dừng.
Trường hợp thời gian giao dịch còn lại trong một phiên ít hơn 30 phút hoặc một giờ (tùy từng trường hợp) sau khi bộ ngắt mạch có hiệu lực, giao dịch sẽ bị tạm dừng cho đến thời điểm đóng cửa của phiên đó và sau đó giao dịch sẽ tiếp tục trong phiên tiếp theo. Riêng với các sản phẩm xuyên biên giới sử dụng cổ phiếu nước ngoài, quỹ tương hỗ nước ngoài hoặc chỉ số nước ngoài làm cơ sở tham chiếu, quy định ngắt mạch sẽ không ko áp dụng, điều này có thể dẫn đến thời gian bắt đầu lại khác nhau giữa các loại chứng khoán trên thị trường chứng khoán ở Thái Lan.
Nhìn lại thất bại của Trung Quốc khi áp dụng ngắt mạch thị trường
Tuy nhiên, không thể không kể đến những thất bại của các nước trong triển khai quy định về bộ ngắt mạch thị trường. Vào tháng 01/2016, Trung Quốc ban hành quy đinh về bộ ngắt mạch với ngưỡng tạm dừng là 5%, với hy vọng ổn định thị trường sau đợt suy giảm hỗn loạn của thị trường chứng khoán vào năm 2015.
Thực tế, bộ ngắt mạch thị trường đã được kích hoạt 2 lần trong 4 ngày áp dụng đầu tiên, sau đó đã nhanh chóng bị bãi bỏ. Nhìn chung, sự thất bại trong áp dụng chính sách ngắt mạch thị trường của Trung Quốc đến từ quy định ngưỡng tạm dừng quá chặt chẽ, dẫn đến sự tự do giao dịch trên thị trường bị ảnh hưởng. Qua đó, khuyến nghị các cơ quan chứng khoán quốc gia cần đặt ngưỡng tạm dừng hợp lý, không quá lỏng lẻo, cũng không nên quá chặt chẽ mà phải tìm ngưỡng phù hợp dựa trên mức độ biến động cơ bản của thị trường. Mặt khác, tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu hơn là thiết kế một bộ ngắt mạch chỉ dựa trên mức giá, cần nhắc đến hành vi tâm lý của thị trường hoặc các thông tin có khả năng gây ra tác động lớn.
Xây dựng cơ chế bộ ngắt mạch phù hợp trên TTCK Việt Nam
Tại Việt Nam, pháp luật về chứng khoán đã có những quy định liên quan đến ngắt mạch thị trường. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 120/2020/TT-BTC thì Ngắt mạch thị trường là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Về cơ chế ngắt mạch thị trường, căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường hoặc cơ chế ngắt mạch thị trường kết hợp với biên độ dao động giá.
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có thẩm quyền quyết định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 302 Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư 120/2020/TT-BTC.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán nước ta vẫn chưa thiết lập cơ chế ngắt mạch thị trường. Tuy vậy, với tốc độ phát triển không ngừng của thị trường chứng khoán, đi kèm mức độ rủi ro ngày càng tăng cao, đặc biệt là với tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, nhu cầu về xây dựng cơ chế ngắt mạch thị trường khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới.
* Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam, Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM.
Có thể bạn quan tâm