Thị trường chứng khoán: "Xếp hàng bắt đáy"

AN ĐỊNH 20/08/2023 12:00

Sau các tuần tăng liên tiếp, VN-Index đã có một tuần giảm điểm mạnh với độ rung lắc dữ dội nhưng lập kỷ lục 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE/ phiên, cao nhất lịch sử TTCK Việt Nam.

>>> Lượng tài khoản chứng khoán tăng vọt: Nhà đầu tư lạc quan trở lại?

Cụ thể, phiên cuối tuần đầy cảm xúc 18/8 đã xóa sạch thành quả tăng của VN-Index trong 3 tuần, rời xa khỏi vùng 1.200 điểm, chốt tại 1.177,99, giảm 54,22 điểm so với tuần trước và tương đương -4,4%.

Nếu tính mạch đẩy VN-Index từ vùng 1.070 điểm lên chạm mốc 1,245 điểm, thị trường đã tăng trong 6 tuần liên tiếp. Rất nhiều cổ phiếu tăng từ 50-70%, thậm chí 100%, thu hút mạnh mẽ dòng tiền từ nhà đầu tư đổ vào. 

Tuy nhiên, biên độ dao động trong phiên cuối tuần qua xu hướng được mở rộng hơn so với giai đoạn trước đã khiến áp lực bán chủ động gia tăng mạnh. Với 240 mã giảm hết biên độ trên các sàn, chứng khoán đã thu hút dòng tiền ào ạt "bắt dao rơi" mạnh tới cực điểm. Trong đó, riêng khối ngoại cũng tham gia mua ròng với giá trị khá lớn trong phiên 18/8, dù tính chung cả tuần thì khối ngoại vẫn bán ròng với giá trị đạt gần 980 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư Cá nhân trong nước và Tự doanh mua ròng; còn các nhóm nhà đầu tư Tổ chức trong nước thì quay sang vị thế bán ròng trong tuần.

Xu hướng dòng tiền thể hiện tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào Bất động sản, Chứng khoán, Công nghệ thông tin, giảm ở nhóm Ngân hàng, Thực phẩm và đồ uống, Dầu khí.

Theo thống kê của FiinTrade, các mã giao dịch mạnh nhất VIC, NVL, DIG, DXG, CEO, VHM, KBC, PDR, IDC, VRE, chỉ duy nhất CEO tăng điểm trong tuần. Dù bị bán mạnh và là khởi điểm tạo hiệu ứng bán lây lan ra trên bình diện toàn thị trường trong tuần qua, tính từ đầu năm chỉ số nhóm Bất động sản tăng +13,23%, sắp bắt kịp VN-Index +16,97%.

Tuy nhiên, cũng theo FiinTrade, tính trong vòng 1 năm nhóm Bất động sản vẫn đang giảm 21,94%, giảm mạnh thứ nhì thị trường sau nhóm Viễn thông -22,95%. Top cổ phiếu giảm điểm trong ngành là HPX -77,7%; NVL -76,84%; PDR -63,53%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy FMI_Abs của nhóm Bất động sản tăng mạnh trong tuần và lên mức cao nhất trong vòng 1 năm, chỉ số giá giảm cho thấy có lực chốt lời mạnh, tuy nhiên dòng tiền vẫn đang vào ròng.

Chỉ số FMI-Rel của nhóm Bất động sản tăng trong tuần ở mức cao nhất năm cho thấy dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn thị trường chung.

>>>Không để đầu cơ tỷ giá trên thị trường

Trên TTCK, có một câu nói khá "thịnh" được các nhà đầu tư hay thuộc "nằm lòng" là: "Không cần biết doanh nghiệp ra sao, chỉ cần xem dòng tiền vào mạnh hay yếu". Do đó, không ít nhà đầu tư trên các hội, nhóm bày tỏ tiếc rẻ đã bỏ lỡ cơ hội gia nhập thị trường trong phiên bắt đáy ngoạn mục tuần qua. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng có khả năng sẽ "xếp hàng mua đáy" ngay trong đầu tuần tới, tức phiên ngày mai 21/8. 

Khối ngoại có nhịp mua tương thông với dòng tiền vào nhóm ròng của nhóm nhà đầu tư cá nhân và tự doanh, tạo hiệu ứng bùng nổ của phiên giao dịch gần 35 nghìn tỷ đồng (18/8). Liệu TTCK tuần tới có thể lặp lại kỷ lục thanh khoản này?

Khối ngoại có nhịp mua tương thông với dòng tiền vào ròng của nhóm nhà đầu tư cá nhân và tự doanh, tạo hiệu ứng bùng nổ của phiên giao dịch gần 35 nghìn tỷ đồng (18/8). Liệu TTCK tuần tới có thể lặp lại kỷ lục này?

Dù vậy, các CTCK nhận định chỉ số đang có những dấu hiệu tiêu cực, việc tham gia sợ bỏ lỡ cơ hội nhiều cổ phiếu xuống giá có thể bị rủi ro cao.

Theo Chứng khoán VCBS, xu hướng hiện tại của chỉ số đang là tương đối tiêu cực, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu một cách dứt khoát để quản trị rủi ro.

"Nhà đầu tư nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá, đồng thời vẫn có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới", bộ phận phân tích của CTCK này khuyến nghị.

Nhận định tại một tọa đàm do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức mới đây, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup - cho rằng, sau nhiều đợt giảm, TTCK vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, song cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu lãi "bằng lần" không còn nhiều như nửa đầu năm.

Bà Vân cho rằng về tổng quan chung, thị trường đang chuẩn bị bước qua giai đoạn phục hồi. Bởi VN-Index đã trải qua pha thất vọng khi giảm sâu vào cuối năm 2022. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đang ở pha kỳ vọng và chuẩn bị bước vào hồi phục vào cuối năm.

"Cần lưu ý trong mỗi chu kỳ của thị trường, pha kỳ vọng là thời điểm nhà đầu tư dễ kiếm tiền nhất. Hiện, định giá thị trường không còn rẻ, nếu loại nhóm ngành ngân hàng, bất động sản thì đang ở mức rất rất cao trong nhiều năm nay", chuyên gia Đỗ Hồng Vân lưu ý. 

Theo đó, đại diện FiinGroup cũng lưu ý nhà đầu tư cần xác định cho mình chiến lược đầu tư rõ ràng. Nếu đầu tư theo yếu tố kỳ vọng và tin tức thì nên có kỳ vọng ngắn hạn hơn là dài hạn. Bên cạnh đó, đa số các ngành có chỉ số giá chạy rất xa so với thay đổi về yếu tố cơ bản. Do đó, nhà đầu tư xem xét giải ngân những nhóm ngành có kỳ vọng lợi nhuận phục hồi nhưng chưa tăng quá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Mở tài khoản giao dịch chứng khoán doanh nghiệp trên ngân hàng số VCB DigiBiz

    Mở tài khoản giao dịch chứng khoán doanh nghiệp trên ngân hàng số VCB DigiBiz

    16:40, 04/08/2023

  • VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ: Mở đường cho những khát vọng

    VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ: Mở đường cho những khát vọng

    09:00, 15/08/2023

  • Công ty chứng khoán: Phân hóa lợi nhuận quý 2

    Công ty chứng khoán: Phân hóa lợi nhuận quý 2

    04:40, 25/07/2023

  • “Nhịp đập” chứng khoán cuối năm

    “Nhịp đập” chứng khoán cuối năm

    14:06, 24/07/2023

  • Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?

    Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?

    04:08, 24/07/2023

AN ĐỊNH