Cổ phiếu ngành thủy sản tăng “nóng” khi Trung Quốc cấm thủy sản Nhật Bản
Lo ngại cho sức khỏe của người dân, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thủy hải sản của Nhật Bản, khiến cổ phiếu nhóm ngành thủy sản của Việt Nam tăng “nóng” trong phiên giao dịch ngày 25/8.
>>>Ngành Thuỷ sản: Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi
Theo đó, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8.
"Quyết định nhằm ngăn chặn toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu", Quyết định của Hải quan Trung Quốc nêu.
Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.
Trước đó, Nhật Bản đã thông báo sẽ xả tổng cộng 7.800 tấn nước thải đã qua xử lý từ khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển liên tục 24h mỗi ngày trong 17 ngày tới, kể từ 24/8. Đây là nhà máy hạt nhân đã bị hư hại nặng nề trong thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.
Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, nước được xử lý triệt để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.
Nhật Bản khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerellit), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống. Mặc dù vậy, đánh giá của IAEA và Nhật Bản đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia.
Không phải đến giờ, quốc gia tỷ dân này mới ngưng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản. Từ tháng 7/2023, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là hải sản, từ 10/47 tỉnh của Nhật Bản, trong đó, có Fukushima. Đồng thời, kiểm tra nghiêm ngặt các giấy tờ liên quan đến thực phẩm nhập từ các tỉnh còn lại của Nhật Bản.
Phản ứng trước thông tin này, mở phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần (25/8), thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà tăng “nóng” của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, trong đó, nhiều mã tím lịm ngay sau khi mở cửa. Mặc dù sắc tím không giữ được lâu, nhưng sắc xanh vẫn được duy trì suốt phiên giao dịch cuối tuần.
Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu cá tra, mã ANV của Công ty CP Nam Việt, mã IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I và mã ACL của Công ty CP Thủy sản Cửu Long tăng kịch trần lần lượt lên mức giá 34.600 đồng/cổ phiếu, 13.400 đồng/cổ phiếu và 14.200 đồng/cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu tôm, mã CMX của Công ty CP CAMIMEX Group cũng tăng trần lên 10.950 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, mã FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng tăng gần đụng trần với giá 49.700 đồng/cổ phiếu.
>>>Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
Các cổ phiếu này sau đó không còn giữ được sắc tím (ngoại trừ IDI và ACL duy trì sắc tím suốt phiên), nhưng vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng trưởng khá cao như ANV tăng 5,41%, lên mức giá 34.100 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản hơn 2,8 triệu cổ phiếu được sang tay, CMX cũng giữ đà tăng trưởng gần 4%, với hơn 2,1 triệu cổ phiếu được sang tay; trong khi FMC giữ mức tăng 2,1%, nhưng chỉ có hơn 111 nghìn cổ phiếu được sang tay.
Nhóm cổ phiếu giữ được sắc xanh suốt phiên như: VHC, của Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE), tăng 3,5%; MPC của Công ty CP Thủy sản Minh Phú (UpCOM), tăng 3,8%; SJ1 của Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX), tăng 2,86%; AAM của Công ty CP Thủy sản Mekong (HoSE), tăng gần 1%.
Nhìn xa hơn về quá khứ, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản đã có mức tăng trưởng rất mạnh từ đầu năm. Đơn cử như FMC dẫn đầu với mức tăng 60%, theo sau là ANV với 56%, CMX với 47%, IDI tăng trên 28%. MPC và VHC đuối sức hơn, nhưng cũng có mức tăng trưởng lần lượt là 11% và 7%.
Đáng chú ý, đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản này lại không tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh, khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có doanh thu và lợi nhuận “đi lùi”, thậm chí là thua lỗ.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, FMC mang về hơn 2.041 tỷ đồng doanh thu, giảm 25,5% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 125 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, CMX ghi nhận doanh thu đạt 790 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt là 48 tỷ đồng và 37 tỷ đồng, cùng giảm 10% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ANV ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ xuống còn hơn 2.229 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 91% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 41,3 tỷ đồng. Riêng trong quý II, doanh nghiệp này lỗ hơn 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 241 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ lợi nhuận giảm sâu trong 6 tháng đầu năm là IDI, với lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 89% so với cùng kỳ, xuống còn 44,3 tỷ đồng, trong khi, doanh thu giảm 15,7% so với cùng kỳ, xuống còn 3.588 tỷ đồng.
Mặc dù được mệnh danh là “Vua tôm” và “Nữ hoàng cá tra”, nhưng cả MPC và VHC đều có kết quả kinh doanh khá ảm đạm, khi trong 6 tháng đầu năm, MPC vẫn còn lỗ 86 tỷ đồng, trong khi, lãi ròng của VHC chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ, với 631 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính tới hết tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là cá tra (giảm 36%), tôm và cá ngừ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 10% đạt khoảng 345 triệu USD, cá tra đạt 150 triệu USD, giảm 20%, cá ngừ giảm nhẹ 3% và các loại cá khác giảm 12% so với tháng 7/2022.
Đại diện VASEP nhận định, với diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Bên cạnh đó, nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản đượchỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu. Các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.
Do đó, VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Thuỷ sản: Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi
13:30, 08/06/2023
Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
04:45, 12/01/2023
Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh
10:10, 29/11/2022
Hải Phòng: Đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá để ngành thủy sản phát triển bền vững
01:12, 21/07/2022
Vì sao ngành thủy sản có nhiều ngư dân nhưng sản xuất lại manh mún, tự phát?
16:00, 07/06/2022