Kỳ vọng cơ hội dịch chuyển đầu tư, KBC tăng sức hút
Xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất từ các quốc gia lân cận sang Việt Nam là cơ hội lớn đặc biệt với ngành cũng như cổ phiếu Bất động sản khu công nghiệp…
>>Tiềm năng thị trường bất động sản khu công nghiệp năm 2023
Trong các phiên giao dịch vào cuối tháng 8/2023, cổ phiếu KBC-Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc hút dòng tiền đầu tư và tăng giá mạnh với khối lượng và thanh khoản liên tiếp được cải thiện.
Cụ thể phiên giao dịch ngày 31/8, KBC tăng giá lên 34.450 đồng/cp với khối lượng giao dịch lên tới 12,9 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch 443 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 30/8 với 7,5 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng giá trị lên tới 253 tỷ đồng; Phiên giao dịch 29/8 với 16,8 triệu cổ phiếu khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch lên tới 571 tỷ đồng trong đó khối ngoại liên tục mua ròng cổ phiếu KBC. Theo tổng kết, cổ phiếu KBC có nhịp tăng mạnh cả nền giá cũng như thanh khoán nhờ thông tin Tổng Thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam trong tháng 9 tới, mang đến kỳ vọng sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, nhất là thu hút FDI và xuất khẩu sang thị trường Mỹ. KBC cũng là doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao… Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu trong ngành Bất động sản Khu công nghiệp tăng.
Vậy tình hình kinh doanh của KBC như thế nào?
KBC là doanh nghiệp lớn về phát triển bất động sản khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam với nhiều lợi thế. Ưu thế cạnh tranh nổi bật của KBC là việc kết hợp giữa KCN và đô thị dịch vụ. Hơn thế nữa, các KCN và đô thị dịch vụ của KBC là những địa bàn nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, gần cảng biển, sân bay.
Hiện nay, KBC còn là doanh nghiệp Việt Nam về thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế ảm đạm cùng với đó hoạt động cho thuê đất công nghiệp dự báo chậm lại trong thời gian tới, quỹ đất thương phẩm sẵn sàng cho thuê của KBC không còn nhiều...
Về kết quả kinh doanh lũy kế 06 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của KBC đạt hơn 2.341 tỷ đồng và 1.806 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 8 lần và gần 7 lần so cùng kỳ. Nợ phải trả của KBC cũng giảm mạnh, từ trên 17.060 tỷ đồng (31/12/2022) xuống còn trên 13. 837 tỷ (30/6/2023). Trong đó, nợ ngắn hạn giảm mạnh từ trên 10.684 tỷ đồng xuống còn trên 7.331 tỷ đồn, nợ dài hạn tăng từ trên 6.376 tỷ đồng lên 6.505 tỷ đồng.
Với quy mô lớn (687 ha) và giá thuê dự báo trên 100 USD/ m2, KCN Tràng Duệ 3 có thể đem về khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu cho thuê mỗi năm sau khi đưa vào kinh doanh. KBC đã hoàn thành đền bù, thỏa thuận mua đất trên diện tích khoảng 300 ha, tạo điều kiện có thể thi công mặt bằng và bàn giao nhanh chóng sau khi nhận được chấp thuận đầu tư. Tiến độ thông qua pháp lý cho dự án sẽ được thúc đẩy tích cực thời gian tới.
Cho đến nay, KBC đã tiến hành trả nợ đúng hạn và mua lại trước hạn 2.400 tỷ trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời trong tháng 5/2023, KBC đã mua lại trước hạn 1.500 tỷ trái phiếu phát hành ra công chúng, kỳ hạn 2 năm phát hành ngày 24/6/2021. Nguồn tiền trả trái phiếu chủ yếu đến từ 3.000 tỷ đồng thu được từ giá trị hợp đồng 3.540 tỷ đồng ký vào năm 2022 và hợp đồng 90 triệu USD mới ký với Goertek cho 62,7ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Với KCN Quang Châu, KBC mở rộng phần lớn diện tích đã được lấp đầy. Khoảng 10 ha đất thương phẩm còn lại dự kiến sẽ được hoàn tất cho thuê ngay trong giai đoạn cuối năm 2023. Dự án KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, tính đến hết quý 2/2023 ước tính còn hơn 100 ha quỹ đất thương phẩm sẵn sàng cho thuê, phục vụ cho kế hoạch thu hút đầu tư trên địa bàn trong 1-2 năm tới.
Hiện Việt Nam đã ký và có hiệu lực 15 FTAs với các đối tác lớn như EU, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Do vậy nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng như KBC được nhận định sẽ hưởng lợi. Với vị thế của mình, KBC đã thu hút được nhiều tệp khách hàng là tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như:Canon, Foxconn, MITAC, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, VS, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries…
Đánh giá về KBC, Công ty Chứng khoán SBS cho rằng, trong thời gian tới dự án KCN Tràng Duệ 3 có quy mô lớn có thể kỳ vọng đem về doanh thu và lợi nhuận tốt. Tuy nhiên trong ngắn hạn với việc vừa phải nỗ lực thanh toán trước trái phiếu và khó khăn trong việc huy động vốn sẽ là thách thức không hề nhỏ ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu kinh doanh của KBC. Do vậy nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu KBC cho mục tiêu dài hạn.
SBS định giá bằng phương pháp so sánh P/E dự báo năm 2023, KBC sẽ đạt lợi nhuận sau thuế ở mức 3.850 tỷ đồng. P/E hợp lý cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề có quy mô tương đương giá trị hợp lý của KBC là 45.144 đồng/cp. Với phương pháp so sánh P/B, SBS dự báo lợi nhuận sau thuế của KBC sẽ đạt 31.127 tỷ đồng vào cuối năm 2023, P/B mục tiêu cho các doanh nghiệp có quy mô tương đương là 1.2. Như vậy, giá trị hợp lý của KBC là 37.352 đồng/cp.
Có thể bạn quan tâm
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Cần thiết phát triển các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái
14:56, 04/09/2023
Hình thành hệ sinh thái giữa các khu công nghiệp thuộc trục cao tốc phía Đông
03:42, 03/09/2023
Bình Dương tăng sức hút từ các khu công nghiệp
19:02, 02/09/2023
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: 5 nhiệm vụ để bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp
07:28, 02/09/2023