Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng vọt trong quý 4/2023
Có nhiều yếu tỗ hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, và trên cơ sở so sánh thấp trong quý 4/2022, ước tính lợi nhuận thị trường sẽ tăng mạnh trong quý 4/2023.
>>>Lo ngại về động thái hút tiền của NHNN đang lớn hơn thực tế
Nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 10 vừa qua, ông Hoàng Huy - CFA, chuyên gia của Maybank Investment Bank (MSVN) - ghi nhận: Thị trường chứng kiến sự gia tăng áp lực ngoại hối, cùng với đó là căng thẳng địa chính trị leo thang (Israel – Hamas). Theo đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý 3/2023 giảm và hoạt động cho vay ký quỹ không chính thức giảm đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trong tháng 10/2023.
Một tháng 10/2023 đầy thất vọng
Tại cuối tháng 10/2023, VN-Index mất 10,9% so với tháng trước, xóa đi phần lớn mức tăng kể từ đầu năm và ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 12 tháng.
Biến động giá theo ngành: Tất cả các ngành đều giảm trong tháng 10/2023. Bán lẻ (-22,3% t/t), môi giới (-20,9% n/n) và hải sản (-19,3% n/n) là những ngành có hoạt động kém nhất do lợi nhuận quý 3 năm 23 yếu hơn dự kiến. Trong khi đó, hậu cần hàng không (-4,7% n/n), ngân hàng (-5,8% t/t) và bảo hiểm (-7,4% n/n) là những ngành có diễn biến tốt nhất vì kết quả quý 3/2023 của họ vẫn tương đối bền bỉ.
Thanh khoản thị trường: Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày giảm 39% trong tháng 10/2023 (so với tháng 9/2023) xuống còn 14,4 nghìn tỷ đồng/600 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,7 nghìn tỷ đồng/113 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, trong khi nhà đầu tư bán lẻ trong nước mua ròng. Khối ngoại bán ròng ngành bán lẻ (1,4 nghìn tỷ đồng/59 triệu USD, tập trung vào MWG, MSN) và ngân hàng (772 tỷ đồng/33 triệu USD) và mua ròng các nhà sản xuất đồ uống (556 tỷ đồng/24 triệu USD).
"Có thể nói, chỉ số VN-Index giảm với lớn nhất trong 12 tháng đã phản ánh những áp lực bên ngoài, cộng hưởng kết quả kinh doanh thất vọng của doanh nghiệp, cộng thêm phản ứng thái quá của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Đây là điển hình của thị trường Việt Nam khi các nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng giao dịch", ông Hoàng Huy, CFA, nhận định.
>>>Nới "room" tín dụng, các ngân hàng có tăng trưởng ra sao?
Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong quý 4/2023
Sau khi phục hồi nhẹ trong quý 2/2023, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE lại giảm 8,3% n/n trong quý 3/2023, thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 10% của công ty chứng khoán đặt ra. Trong đó:
Bất động sản dân cư (-32% n/n) và bán lẻ (-78% n/n) phải chịu sự suy giảm liên tục của niềm tin của người tiêu dùng, trong khi hóa chất (-63% n/n), hậu cần hàng hải (-38% n/n) và hải sản (-41% n/n) bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái toàn cầu.
Mặt khác, ngân hàng (-0,2% n/n), năng lượng (-0,2% n/n) và CNTT (+18,5% n/n) cho thấy lợi nhuận bền bỉ, và lợi nhuận ngành thép cải thiện quý thứ 3 liên tiếp.
Do cơ sở so sánh thấp trong quý 4/2022, chuyên gia MSVN ước tính lợi nhuận của cả thị trường sẽ tăng khoảng 36% n/n trong quý 4/2023.
Những yếu tố hỗ trợ chính
Lạm phát đạt 3,56% trong tháng 10 năm 2023, chủ yếu bởi lạm phát lương thực, giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng và giáo dục. Học phí tăng, nhưng đây có lẽ chỉ xảy ra một lần và các chuyên gia tin rằng Chính phủ có thể kiểm soát giá gạo để kiềm chế lạm phát lương thực.
"Chúng tôi duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,4% cho năm 2023 và 3,5% vào năm 2024. Trên thị trường ngoại hối, sự kết hợp giữa việc NHNN phát hành tín phiếu kho bạc và chuyển động trong phạm vi của chỉ số đồng USD (DXY) đã làm tạm dừng việc trượt giá gần đây của VND so với USD. Theo quan điểm của chúng tôi, NHNN sẽ bán USD để bình ổn thị trường nếu VND giảm thêm 1-2% (hoặc 5-6% tính từ đầu năm).
Chúng tôi cho rằng NHNN thậm chí có thể chấp nhận mức trượt giá VND hơn nữa trong năm nay (so với mức 2-3%/năm trước đây) vì việc theo đuổi các chính sách nới lỏng hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phục hồi hiện là ưu tiên hàng đầu".
Quan điểm của MSVN cũng là quan điểm mà nhiều chuyên gia đã nêu khi nói về xu hướng tỷ giá và mục tiêu điều hành lãi suất những tháng cuối năm. Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, nhận định chính sách tiền tệ sẽ chỉ đảo chiều khi có 2 điều kiện tạo áp lực xuất hiện là tỷ giá và lạm phát. Nếu lạm phát không vượt ngưỡng 4,5% thì tiền tệ sẽ không đảo chiều. Cùng với đó là áp lực mất giá không quá lớn. Hiện VND mất giá khoảng 4,7%, sang năm có thể thấp hơn và không xuất hiện áp lực cao thì chính sách điều hành sẽ giữ như vậy. "Ngay cả có xuất hiện các áp lực này, nhà điều hành cũng sẽ có phương án thích ứng sức ép rất nhanh, theo từng tháng", ông Thành nói.
Tin tưởng vào khả năng can thiệp và ổn định lạm phát, tỷ giá, đồng thời hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, các chuyên gia của MSVN khẳng định sau những "vết bầm" của TTCK trong tháng 10, thị trường vẫn sẽ xuất hiện các gờ giảm tốc nhưng không cản mạnh con đường hồi phục. Các cổ phiếu nổi bật của tháng được khuyến nghị là: GAS được lựa chọn vì lợi nhuận và bảng cân đối kế toán lành mạnh cũng như mức định giá hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế bất ổn. PVS được ưa thích vì doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư thượng nguồn. FPT và PNJ được ưu tiên vì lợi nhuận bền bỉ. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, STB cũng trong "giỏ" ưa thích vì câu chuyện đảo chiều lợi nhuận đang tiếp tục diễn ra.
Có thể bạn quan tâm