2,3 tỷ cổ phiếu GAS “đổ bộ” lên sàn chứng khoán
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM HOSE đã chấp thuận cho cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam thay đổi số lượng cổ phiếu niêm yết.
>>Triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dầu khí trong năm 2024?
Theo đó, GAS sẽ bổ sung thêm gần 382,8 triệu cổ phiếu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành.
Đây là lượng cổ phiếu thưởng được GAS phát hành từ tháng 9/2023 với tỷ lệ 10:2 (20%, tương đương cổ đông nắm 10 cổ phiếu nhận được 2 cổ phiếu mới), để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo GAS công bố, phương án này nhằm đảm bảo cân đối cơ cấu giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, cũng như quy mô sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư.
Như vậy, sau đợt phát hành, vốn điều lệ của GAS tăng lên gần 23 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2,3 tỷ cổ phiếu có mặt trên sàn. Tính đến phiên giao dịch ngày 10/11 cổ phiếu GAS giảm sâu chỉ còn 78.000 đồng/cp. Với lượng cổ phiếu mới niêm yết trên sàn, cổ phiếu ông lớn ngành khí bị pha loãng và vì vậy đã điều chỉnh mạnh về dưới ngưỡng 80.000 đồng/cp này trong thời gian qua…
Về tình hình kinh doanh, GAS kết thúc quý 3 với doanh thu hơn 22 nghìn tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Theo đó, lãi ròng gần 2,4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn 22% so với cùng kỳ. Giải trình kết quả kinh doanh, GAS cho biết trong quý 3, lợi nhuận sụt giảm đến từ giá dầu bình quân thấp hơn cùng kỳ 24% (88,7USD/thùng). Đây chính là nguyên nhân khiến cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.
Thống kê báo cáo tài chính quý 3/2023 của 21 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh trực tiếp đến tiền như ngân hàng, bảo hiểm) có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán cho thấy, có đến 12 doanh nghiệp ghi nhận tăng khoản tổng tiền mặt và tiền gửi. GAS hiện sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.767 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này chiếm 46% tổng tài sản của GAS và tăng khoảng 3.900 tỷ đồng so với cuối quý 1. Sau 6 tháng, khoản tiền gửi ngân hàng này đã đem về cho công ty hơn 1.033 tỷ đồng lãi.
Trong báo cáo mới đây, nhận định về cổ phiếu GAS nói riêng và ngành dầu khí nói chung, ACBS cho rằng tác động của giá dầu cao lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Theo ACBS, nhóm doanh nghiệp dầu khí làm dịch vụ thượng nguồn sẽ được hưởng lợi nhất nếu giá dầu neo cao một thời gian dài. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trung/hạ nguồn bị ảnh hưởng nhanh chóng từ thay đổi của giá dầu.
GAS được đánh giá là hưởng lợi nhanh nhất khi giá dầu tăng. Nguyên nhân là giá khí bán ra tăng do công thức tính giá bán ra được neo theo giá dầu FO và dầu Brent. Trong khi đó, giá khí đầu vào 1 phần sản lượng được thả nổi theo giá dầu FO và 1 phần (chiếm khoảng 60-65% tổng sản lượng đầu vào) được tính theo giá cố định cộng mức tăng 2%/ năm.
Theo nhận định Công ty Chứng khoán MBS, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 30% từ mức đáy vào tháng 6/2023 và đạt 96.5 USD/thùng vào cuối tháng 9/2023. MBS cho rằng nhu cầu dầu thô sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2024 tuy nhiên tốc độ hồi phục còn chậm do chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế nói chung. Động lực cho việc tăng giá dầu trong tương lai gần sẽ chủ yếu là các nhân tố phía nguồn cung như OPEC+ gia hạn việc cắt giảm sản lượng và tồn kho dầu thô tại các quốc gia OECD tiếp tục ở mức thấp trong nhiều năm.
Như vậy, giá dầu Brent có thể đạt trung bình 93 USD/thùng trong Quý 4/2023 và 92 USD/thùng trong năm 2024. Giá dầu tăng cao có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí nhờ động lực thúc đẩy các hoạt động thượng nguồn… và hỗ trợ đà tăng của giá cước vận tải dầu, giá bán khí của các doanh nghiệp. Do đó, MBS cho rằng các cổ phiếu ngành dầu khí sẽ có triển vọng trong năm 2024 nhờ sự hỗ trợ của đà tăng giá dầu Brent, bên cạnh các thông tin về tiến triển trong tiến độ chuỗi dự án Lô B – Ô Môn.
Bên cạnh giá dầu, tỷ giá USD/VND đang tăng dần cũng là một yếu tố tác động tới hoạt động kinh doanh của nhóm dầu khí. Với hầu hết các doanh nghiệp ngành dầu khí, tỷ giá tăng có tác động tích cực nhẹ tới kết quả kinh doanh, nhờ đa phần có nguồn doanh thu bằng ngoại tệ, nợ vay rất ít, hoặc chi phí đầu vào và giá bán ra đều được điều chỉnh theo tỷ giá bình quân 10-15 ngày gần nhất.
Ngoài các yếu tố mang tính ngắn hạn, triển vọng dài hạn của ngành dầu khí cũng đánh giá tương đối khả quan khi các dự án lớn như Lô B Ô Môn được triển khai. Sản lượng dầu của Việt Nam trong những năm gần đây giảm do hoạt động thăm dò và khai thác bị chậm lại, trữ lượng dầu lớn nhưng chưa khai thác được và vẫn còn tiềm năng lớn.
Có thể bạn quan tâm