Bất động sản ĐBSCL có cơ hội tăng giá nhiều hơn các tỉnh Miền Đông
Đó là nhận định của GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT tại hội nghị tổng kết công tác Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ.
Theo ông Võ, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng thị trường BĐS ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội, TP.HCM vẫn xảy ra sốt giá. Bên cạnh nhu cầu nhà ở thật sự thì có đến 40% là sốt ảo do đầu tư. Nguyên nhân nhà đầu tư “xuống tiền” mạnh vào BĐS ở 2 thành phố này là do sự chồng chéo về pháp lý khiến cho số dự án mới được phê duyệt giảm 10 lần so với những năm trước, như vậy trong một vài năm tới nguồn cung sản phẩm ở đây có thể không đáp ứng nhu cầu, một số nhà đầu cơ chớp cơ hội này để đầu tư. Những nhà đầu tư đang có sản phẩm trong tay cũng có tâm lý “ém hàng” chờ giá, do đó nguy cơ BĐS ở 2 thành phố này sẽ còn “sốt” hơn nữa.
“Riêng đối với vùng ĐBSCL hiện nay mặt bằng giá đất còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh Miền Đông. Mặt khác gần đây hạ tầng kết nói vùng này đã được cải thiện, đầu tư vào đất đai tại đây có nhiều cơ hội tăng giá so với các tỉnh đã phát triển với mức giá cao như Đồng Nai, Bình Dương…” ông Võ nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Dương Quốc Thủy, Tổng giám đốc Cty cổ phần dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ cho rằng sau khi tuyến cao tốc Cần Thơ-TP.HCM hoàn thành thì thị trường BĐS tại Cần Thơ và các tỉnh Miền Tây sẽ còn phát triển hơn nữa.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025 sự cạnh tranh tại khu vực “đô thị mới nổi” này sẽ rất quyết liệt, doanh nghiệp nào nắm bắt được công nghệ, thị trường, đầu tư tốt thì sẽ nắm trong tay phần thắng nhiều hơn” - ông Thủy nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP Cần Thơ: Năm 2020, tại ĐBSCL có nhiều dự án BĐS được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đầu đủ pháp lý được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín được thị trường đón nhận tích cực. Các dự án có vị trí trung tâm thành phố có mức giá bình quân từ 40-60 triệu đồng/m2; dự án khu vực cửa ngõ mức giá từ 20-30 triệu đồng/m2. Với mức giá này tăng bình quân khoảng 7% đến 10% so với năm 2019.
Tại TP Cần Thơ hiện có 52 dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới, với diện tích 1.455,11ha. Trong năm 2020, thành phố có 5 dự án (Dự án khu đô thị mới An Bình, Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center, dự án chợ Láng Sen và dân cư nông thôn xã Thạnh Quới, KDC phường Phước Thới, KDC phường Hưng Lợi) đã cơ bản chấp thuận kết quả thực hiện nghiệm thu; chấp hành quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng, hạ tầng xã hội trước khi bàn giao cho địa phương quản lý.
Trong đó, Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ có vai trò tích cực, là nhân tố kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp BĐS, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp BĐS phát triển, thực hiện tốt các dự án KDC, tái định cư, từng bước đưa thị trường BĐS thoát khỏi thời kỳ trầm lắng, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển…
Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ cũng đưa ra dự báo: Năm 2021, nền kinh tế cả nước được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường BĐS sẽ cải thiện theo chiều hướng tích cực. Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển nhà ở theo các chương trình, kế hoạch của TP.Cần Thơ về phát triển nhà ở, phát triển đô thị đến năm 20025 và định hướng đến năm 2030; nâng cao vai trò, tiến nói của Hiệp hội BĐS vào việc tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS, quy hoạch của thành phố…
Tại hội nghị, Hiệp hội BĐS cũng kiến nghị chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đầu tư quy hoạch, đất đai nhanh, gọn, rút ngắn thời gian thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội BĐS tiếp cận các quy hoạch phân khu quận, huyện đã được phê duyệt, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn TP.Cần Thơ; hỗ trợ cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án và có quyết định bàn giao đất kịp thời…
Có thể bạn quan tâm