TGĐ BCG Energy: Doanh nghiệp "ngóng" phương án đấu giá điện

Lê Mỹ 14/04/2020 12:08

"Chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc đấu giá nên tiến độ các dự án đang trong giai đoạn triển khai vẫn đang dậm chân tại chỗ", TGĐ BCG Energy chia sẻ về cơ chế cho điện mặt trời.

Quyết định Số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã bước đầu “định khung” cơ chế cho quan hệ mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay các thành viên được ủy quyền với các bên đầu tư bán điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn ngóng chờ những quy định cụ hơn hơn ngoài cơ chế khuyến khích ban đầu đó.

Ông Phạm Minh Tuấn- Tổng giám đốc công ty BCG Energy, công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) và là một trong những doanh nghiệp triển khai các dự án năng lượng tái tạo, cho biết mức giá mua điện mới đối với các dự án điện mặt trời theo Quyết định Số 13/2020/QĐ-TTg là phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay và thực trạng về khả năng triển khai của doanh nghiệp cho những dự án mới.

Ông Phạm Minh Tuấn - TGĐ BCG Energy. Công ty này hiện đang đầu tư 3 nhà máy điện mặt trời tại Long An

Ông Phạm Minh Tuấn - TGĐ BCG Energy. Công ty này hiện đang đầu tư 3 nhà máy điện mặt trời tại Long An (nguồn ảnh: BCG)

-Vậy quyết định này có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp, thưa ông?

Hiện nay, Quyết định Số 13/2020/QĐ-TTg vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc đấu giá nên tiến độ các dự án đang trong giai đoạn triển khai vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp triển khai dự án năng lượng mặt trời mới vẫn có thể đảm bảo được hiệu quả kinh tế của dự án. Vì vậy, giá điện mới không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ suất lợi nhuận.

- BCG Energy có điều chỉnh gì để thích ứng với các quy định mới?

BCG Energy cần cập nhật mô hình tài chính theo giá điện mới, điều chỉnh giá vốn và các chi phí liên quan đến việc triển khai dự án theo mức giá mới của thị trường. Từ đó, tính toán lại tính khả thi của các dự án trong danh mục, xác định dự án có hiệu quả cao để thực hiện triển khai.

- Xin ông cho biết thêm là tác động của COVID-19 và giá bán điện vừa điều chỉnh thì có tác động gì hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hay không?

Hiện nay, nền kinh tế đang đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng do tác động từ COVID-19 gây ra. Trong năm 2019, BCG Energy đã thành công đưa vào vận hành dự án BCG-CME Long An 1 công suất 40 MW và một phần dự án BCG-CME Long An 2 công suất 100 MW. Đối với những dự án đã được vận hành và đấu nối nói trên thì dịch COVID-19 hầu như không gây ra bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào do sản phẩm điện từ các dự án đã được EVN mua lại toàn bộ theo Hợp đồng mua bán điện đã ký kết.

Tuy nhiên, đối với các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý thì các chính sách cách ly xã hội, đóng cửa cơ quan nhà nước gây ra rất nhiều hạn chế cho doanh nghiệp trong qua trình chạy hồ sơ. Từ đó, kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • [THỜI SỰ NGÀY 8/4] Lấp

    [THỜI SỰ NGÀY 8/4] Lấp "khoảng trống" chính sách cho giá mua điện mặt trời

    01:38, 08/04/2020

  • Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sẽ chính thức vận hành từ tháng 06/2020

    Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sẽ chính thức vận hành từ tháng 06/2020

    07:20, 16/03/2020

  • Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Giá điện sẽ giảm từ kỳ hóa đơn tháng 5/2020

    Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Giá điện sẽ giảm từ kỳ hóa đơn tháng 5/2020

    01:28, 14/04/2020

  • Lựa chọn điện sạch hay rẻ?

    Lựa chọn điện sạch hay rẻ?

    15:05, 10/04/2020

  • [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 3) Doanh nghiệp tư nhân nói gì?

    [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 3) Doanh nghiệp tư nhân nói gì?

    00:30, 01/03/2020

  • [KINH TẾ HẬU COVID-19] Lựa chọn

    [KINH TẾ HẬU COVID-19] Lựa chọn "bệ đỡ" nền kinh tế sau đại dịch 

    08:00, 10/04/2020

- Doanh nghiệp có khuyến nghị/ kiến nghị gì để đảm bảo chính sách thúc đẩy nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo hậu dịch COVID-19 và đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo của Việt Nam?

Phát triển năng lượng tái tạo là định hướng phát triển bền vững và là kế hoạch dài hạn của BCG Energy nói riêng và BCG nói chung. Trong giai đoạn tới, mảng điện mặt trời áp mái đang được đặc biệt chú trọng quan tâm vì tính chất triển khai nhanh chóng cũng như điều kiện phát triển thuận lợi nhờ vào các chính sách của Chính phủ. BCG Energy tính tới thời điểm hiện tại đã ký kết nhằm triển khai gần 100 MW tổng công suất cho các dự án điện mặt trời áp mái, trong đó kế hoạch thực hiện tối thiểu 50 MW trong năm 2020.

Ngoài ra, BCG Energy cũng có ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các doanh nghiệp KCN Tp. HCM (HBA), theo thỏa thuận tối thiểu tổng công suất 300 MW sẽ được triển khai tính đến năm 2024. Trong tương lai, ngoài việc phát triển điện mặt trời, BCG cũng sẽ nghiên cứu tính khả thi để triển khai các dự án năng lượng tái tạo/năng lượng sạch khác như năng lượng gió, năng lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng LNG.

Để thúc đẩy được các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này, BCG vẫn cho rằng Chính phủ cần mau chóng có hướng dẫn cụ thể về phương án đấu giá để các doanh nghiệp có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai dự án.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tại Quyết định Số 13/2020/QĐ-TTg, chương IV, Điều 10, khoản 1, mục e, quy định: Bộ Công Thương “nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, lộ trình thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai trên toàn quốc”.

Tuy nhiên lại không quy định cụ thể thời hạn nghiên cứu hoàn chỉnh báo cáo cơ chế đấu giá để báo cáo của Bộ Công Thương, do đó phát sinh lo ngại của doanh nghiệp vì không biết bao giờ thì mới có các tiêu chí giúp doanh nghiệp định hướng và đảm bảo đáp ứng theo cơ chế đầu thầu tương lai.

Trước đó, trong tháng 2/2020, Bộ Công Thương từng đề xuất phê duyệt số lượng các doanh nghiệp được hưởng cơ chế giá FIT thay cho đấu thầu nhằm hỗ trợ giải nguy thiếu nguồn cung điện theo mùa.

Cơ chế giá FIT (giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định), cần chuyển sang đấu thầu cạnh tranh để giảm chi phí sản xuất giá điện là một trong những khuyến nghị để đảm bảo năng lượng mặt trời dồi dào, theo báo cáo của Worl Bank hợp tác kỹ thuật với Chính phủ Việt Nam. Báo cáo chỉ ra giá FIT đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án trong bối cảnh Việt Nam cũng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát” - hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt. Từ đó đưa ra phương pháp tiếp cận mới để giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

Ngoài ra báo cáo cũng cho rằng Việt Nam cần đặt ra mục tiêu triển khai điện mặt trời hàng năm và trong trung hạn đồng thời sửa đổi khung pháp lý liên quan đến các quy định về lựa chọn cạnh tranh các đơn vị sản xuất điện độc lập.

Lê Mỹ