Lai Châu: Từng bước cải thiện môi trường kinh doanh
Tới đây, tỉnh sẽ tập trung khắc phục các chỉ số còn thấp điểm như: đẩy mạnh chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; phát huy nhân tài tại chỗ;...
Chú trọng sản xuất
Trong 2 tháng đầu năm 2021, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo tập trung sản xuất, kinh doanh cũng như chấp hành nghiêm Chỉ thị, văn bản về tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, không lơ là, chủ quan.
Đến nay, tỉnh Lai Châu đã gieo cấy được 5.971 ha lúa Đông xuân, đạt 88,1% kế hoạch; thu hoạch 3.413 ha ngô Thu đông, sản lượng khoảng 12.030 tấn; chuẩn bị điều kiện để phục vụ cho công tác trồng mới chè và trồng rừng năm 2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; đảm bảo giao thông thuận lợi, thông tin liên lạc thông suốt; an ninh trật tự, đảm bảo cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đón Tết an lành.
2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 618,14 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu của địa phương ước đạt 1,176 triệu USD, tăng 1,29% so với tháng trước. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 156,66 tỷ đồng, bằng 8% dự toán HĐND tỉnh giao.
Đẩy mạnh cải cách để tăng thứ hạng
Hiện nay, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu đang tập trung bàn về dự thảo Đề án, Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Lai Châu xác định đây là đề án quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tăng điểm và tăng thứ hạng chỉ số PAR INDEX và PCI. Do đó, tới đây tỉnh sẽ tập trung khắc phục các chỉ số còn thấp điểm như: đẩy mạnh chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; có cơ chế thu hút nhân tài, phát huy nhân tài tại chỗ; tăng cường tính minh bạch; cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Ban soạn thảo Đề án cần bám sát vào 2 phần chính là cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó bám sát vào 8 cấu phần chính về cải cách hành chính và 10 cấu phần chính về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để xây dựng Đề án. Trong đó, lấy năm 2019 làm trục chính để từ đó đánh giá và xác định hướng phấn đấu trong giai đoạn tiếp theo.
Được biết, nhằm tạo bước đột phá trong công tác thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những ngành, lĩnh vực, nội dung quan trọng tập trung chỉ đạo như: Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chú trọng các công trình giao thông huyết mạch kết nối trong tỉnh và các tỉnh khu vực.
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung triển khai lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ động, tập trung trình sớm các quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới năm 2021; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được giao vốn năm 2021 để hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao; kịp thời xử lý các vướng mắc đối với từng dự án cụ thể; các sở, ngành liên quan sớm quy hoạch hầm đường bộ 14; đề xuất giải pháp bài bản về khai thác khoáng sản… góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép - vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế; tiếp tục quan tâm công tác phòng dịch tại cơ sở giáo dục…
Năm 2020, số lượng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu có xu hướng tăng lên. Trong năm 2020, tỉnh thu hút được 32 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 8.095,2 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như: nông, lâm, nghiệp 3 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 106,6 tỷ đồng; thủy điện, công nghiệp xây dựng 24 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 7.958,4 tỷ đồng; thương mại dịch vụ 5 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 30,2 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XIII): EVFTA - động lực thúc đẩy phát triển thể chế và môi trường kinh doanh
06:00, 17/02/2021
Bức tranh môi trường kinh doanh Việt Nam dưới góc nhìn của doanh nghiệp châu Âu
14:00, 04/02/2021
Doanh nhân Nguyễn Hữu Bắc: Kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII
06:00, 25/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: 5 nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh
18:04, 04/01/2021