30 năm vào Việt Nam, FDI vẫn "khất lần" chuyển giao công nghệ

Ngọc Hà 25/06/2018 17:41

Trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD nhưng mục tiêu chuyển giao công nghệ dường như đang bị doanh nghiệp FDI "khất lần".

Đây là thông tin được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo chuyên đề: "Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài" diễn ra chiều 25/6.

vai trò dẫn dắt để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, kết quả thu hút và chuyển giao công nghệ của khu vực FDI chưa như kỳ vọng.

Khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù đóng vai trò dẫn dắt để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, kết quả thu hút và chuyển giao công nghệ của khu vực FDI chưa như kỳ vọng.

Kỳ vọng quá lớn?

Theo đó, chỉ ra những kết quả chưa như kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng, hiện nay các dự án FDI chủ yếu trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.

Cụ thể, FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Thế Phương: “Mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới".

Cũng theo ông Phương: "Chuyển giao công nghệ là cần thiết với các quốc gia đang phát triển đặc biệt là nước đi lên từ một nền nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam. Chuyển giao công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, từ đó sẽ tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam".

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. 

Riêng trong 6 tháng năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.

Hai tác động tích cực chính

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội để doanh nghiệp Việt

    Cơ hội để doanh nghiệp Việt "chen chân" vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp phụ trợ

    11:10, 25/06/2018

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "mắc kẹt" vì đất đai manh mún

    05:19, 24/06/2018

Với những con số nêu trên, nguồn vốn FDI đóng vai trò là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP.  Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. Theo đó, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Ngoài ra, dòng vốn FDI đã tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Đầu tư nước ngoài còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước được nâng cao so với thời kỳ trước. Do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu. Theo ông Phương, đây được xem là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp.

Cũng theo vị này, có hai tác động tích cực lớn trong thu hút và chuyển giao công nghệ trong hoạt động FDI tại Việt Nam. 

Một là, thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Thu hút được một số công nghệ tiên tiến, hiện đại sản xuất ra các sản phẩm mới, trước đây Việt Nam chưa có. Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao với hình thức, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước, góp phân thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài như cơ khí, chế tạo…

Hai là, do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập các thiết bị và dây chuyền công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, không thu kém hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưa chuộng như sản phẩm may mặc, giày da, thực phẩm. Đây có thể coi là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp. Thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lên nhờ cách tiếp cận này.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4,0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam đã xác định thu hút các dự án chất lượng cao, hiện đại thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, là một trong những ưu tiên hàng đầu. Có như vậy Việt Nam mới bắt kịp các nước trong khu vực.  

Ngọc Hà