Đấu thầu qua mạng: Tiến tới năm 2022 sẽ áp dụng hệ thống tổng thể theo hình thức PPP
Để đấu thầu qua mạng được triển khai tổng thể theo hình thức PPP thành công vẫn cần sự nhận thức mạnh mẽ và nhanh hơn nữa của đơn vị tham gia thầu và đơn vị mở thầu.
Nhằm tăng cường tính hiệu quả, quy mô và chất lượng của hoạt động đấu thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quy định về lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 trên cơ sở tính chất gói thầu và xây dựng hệ thống tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP).
Do Hệ thống hiện tại sẽ tiếp tục được sử dụng đến năm 2021 trước khi được thay thế bằng Hệ thống tổng thể theo hình thức PPP với kỳ vọng nhiều tính năng, đáp ứng được các gói thầu phức tạp, quy mô lớn, Bộ KH&ĐT đề xuất chia lộ trình ĐTQM giai đoạn 2019-2025 thành hai thời kỳ là 2019-2021 tiếp tục thực hiện trên Hệ thống hiện tại và giai đoạn 2022-2025 sau khi Hệ thống mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết, việc quy định về lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 và xây dựng hệ thống đấu thầu tổng thể theo mô hình đối tác công tư không chỉ làm giảm các thủ tục hành chính, giúp cho hoạt động đấu thầu thuận lợi, nhanh chóng, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp dù ở đâu, có quy mô như thế nào, nếu đáp ứng được đầy đủ điều kiện thì đều có thể tham gia dự thầu mà không phải trực tiếp đến nộp hồ sơ.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh: “Việc quy định như vậy không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm được thủ tục hành chính, nhân lực mà điều này có ý nghĩa thiết thực, giúp ích cho doanh nghiệp có sức cạnh tranh”.
Thách thức về nhận thức
Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong thời gian đầu thực hiện đấu thầu qua mạng được triển khai tổng thể theo mô hình đối tác PPP khó “trơn tru” ngay.
Bởi, theo ông Mạc Quốc Anh, không tránh khỏi tình trạng năng lực doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện về đấu thầu qua mạng, như nền tảng về mặt công nghệ, đấu nối giữa doanh nghiệp và hệ thống tổng thể chưa thực sự thông suốt, chưa tương xứng về hạ tầng.
Có cùng nhận định, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP. Invest cho biết: “Thời gian đầu khi triển khai hệ thống mới với nhiều tiện ích hơn, dung lượng cho nhà thầu lớn hơn… chắc chắn sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, đặc biệt là với nhà thầu nhỏ và vừa trong ngành xây dựng”.
Tuy nhiên, điều đó chưa phải là đáng lo nhất, bởi hạ tầng, công nghệ có thể hoàn thiện theo thời gian. Điều quan trọng hơn cả đó là nhận thức của đơn vị tham gia thầu và đơn vị mở thầu trong việc triển khai đấu thầu qua mạng như chia sẻ của Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Anh Tuấn.
Ngoài ra, theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp từ một số ý kiến của doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa có bộ phận chuyên trách để hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đấu thầu qua mạng. Có thể là hướng dẫn thực hiện thủ tục online để khi doanh nghiệp gặp bất cứ khó khăn, vướng mắc thì có nơi để giải đáp kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ thí điểm đấu thầu dự án điện mặt trời trong năm 2020?
00:00, 07/08/2019
Đấu thầu tuyến đường cao tốc Bắc - Nam: Sẽ có doanh nghiệp Việt
00:59, 02/08/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong đấu thầu
06:57, 31/07/2019
Đấu thầu qua mạng: Các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận hồ sơ thầu
11:00, 17/06/2019
Cần sớm quy định đấu thầu thực hiện dự án điện mặt trời
08:38, 17/06/2019
Duy trì năng lực hồ sơ thầu
Được biết, ngoài việc ban hành quy định về lộ trình áp dụng đấu thầu trên cơ sở tính chất gói thầu và xây dựng hệ thống tổng thể theo mô hình PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cục Quản lý Đấu thầu, ông Nguyễn Đăng Trương đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Nếu chỉ một mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất khó để có thể thực hiện thành công chủ trương đẩy mạnh đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình của Chính phủ đưa ra. Vì vậy, rất cần sự chia sẻ và tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để phát triển Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh đề xuất: “Bên cạnh việc đầu tư mạnh về công nghệ, nhân lực thì sản phẩm và năng lực của mỗi đơn vị tham gia thầu cũng phải không ngừng hoàn thiện”.
Bởi, “không tránh khỏi trường hợp, khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu qua mạng lần một thất bại sẽ không tiếp tục tham gia đấu thầu lần hai nữa… doanh nghiệp nên bền bỉ, nỗ lực và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tạo ra năng lực và tiềm lực tài chính tốt hơn đế tham gia các gói thầu lớn hơn”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn kinh nghiệm của Ấn Độ, Luật sư Vaibhav Saxena -Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF) lưu ý: “Việt Nam đang xây dựng hệ thống đấu thầu tổng thể với sự tư vấn và xây dựng từ công ty nước ngoài. Điều cần lưu tâm là làm thế nào Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh dữ liệu khi không may xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin, dữ liệu. Bởi đây là hệ thống đấu thầu quốc gia, tiến tới là các hoạt động mua sắm Chính phủ đều được thực hiện qua hệ thống mới này”.