Sẽ thí điểm đấu thầu dự án điện mặt trời trong năm 2020?

Linh Nga 07/08/2019 00:00

Cần sớm thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, thực hiện thí điểm trong năm 2020 để hoàn thiện và thực hiện rộng rãi từ năm 2021.

Điện mặt trời áp mái đang phát triển mạnh

Điện mặt trời áp mái đang phát triển mạnh

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Theo đó, sau khi Bộ Công Thương báo cáo, Văn phòng Chính phủ báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: Sau khoảng 2 năm thực hiện Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đến nay đã đạt được một số kết quả tốt. 

Đó là đã thu hút đầu tư và đưa vào vận hành 84 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.500 MW, góp phần cung ứng, bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ chế này cũng đã bộc lộ một số nhược điểm như giá mua điện vẫn cao hơn giá bán lẻ điện, phát triển quá ồ ạt dẫn đến khó khăn trong giải tỏa công suất.

Đối với dự thảo này, Bộ Công Thương cần lưu ý: Xem xét phát triển điện mặt trời với cơ cấu hợp lý, phù hợp với việc phát triển lưới truyền tải, mức độ khuyến khích phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cần khuyến khích điện mặt trời áp mái; không nên chia nhiều vùng, cần xem xét chia vùng phù hợp.

Cần sớm thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, thực hiện thí điểm trong năm 2020 để hoàn thiện và thực hiện rộng rãi từ năm 2021, đảm bảo minh bạch, bám sát giá thị trường.

Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải.

Trả lời phóng viên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 1/8, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho hay ngày 31/7 vừa qua, Bộ Công thương đã báo cáo thường trực Chính phủ về kịch bản giá điện mới trên cơ sở nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và tổ chức quốc tế. 

Tuy nhiên, trước góp ý của các thành viên Chính phủ, Bộ, ngành, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện lại kịch bản giá điện mặt trời mới theo hai vùng và trình lại Chính phủ vào ngày 15/9.

Theo ông Hải, giá điện mặt trời tới đây sẽ không còn chung một mức giá 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh) mà sẽ chia ra nhiều mức ra theo từng vùng bức xạ nhiệt. Việc để một giá điện mặt trời cho tất cả các vùng bức xạ như vừa qua là không còn phù hợp.

Trong các kịch bản đưa ra trước đây, Bộ Công Thương đề xuất 4 mức giá tương ứng cho 4 vùng bức xạ mặt trời. Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương đưa ra phương án 2 mức giá sau khi nhận góp ý từ các Bộ, ngành và thường trực Chính phủ. 

Dữ liệu của Bộ Công Thương cho biết, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, còn điện gió là 16.500 MW. Đến hết tháng 6, đã có 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500MW, trong đó tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận và Bình Thuận.

Thực tế cho thấy, các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động liên tiếp từ tháng 4/2019 trở lại đây đã giải quyết phần nào cho hoạt động cung cấp điện khi nắng nóng dâng cao trong tháng 6.

Ghi nhận của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), công suất phát điện của các nhà máy điện mặt trời cao nhất trong ngày thường rơi vào tầm 14g và đạt 3.200 MW. Tuy nhiên, đỉnh công suất này lại không trùng với cao điểm sáng, từ 9-11g hàng ngày và sau 18g là không thể đóng góp được gì.

Dẫu vậy, câu chuyện đang được các nhà đầu tư lo lắng là lưới truyền tải không theo kịp sự có mặt của các dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án điện được yêu cầu giảm công suất phát, có thể tới 65%.

Đáng nói là, do mối lợi 9,35 UScent/kWh trong 20 năm, nhiều chủ đầu tư mặt trời đã chấp nhận bổ sung điều khoản phụ về sa thải phụ tải khi quá tải lưới khi ký hợp đồng mua bán điện.

Việc triển khai làm lưới nhanh để giải tỏa công suất điện mặt trời cũng được cho là không dễ khi giá đền bù đất làm cột điện đang được đẩy lên rất cao.

Đó là chưa kể, nếu các đường dây 100 kV này chưa có tên trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh hiện nay, thì việc xin bổ sung quy hoạch còn nhiều gian nan. Mặt khác, do các nhà máy điện mặt trời tập trung lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận là khu vực tiêu thụ điện thấp, cần phải truyền tải vào Nam hay ra Bắc, nên có thể phải cấp 220 kV hay 500 kV mới giải tỏa được trọn vẹn, do đó sẽ cần cả tiền và thời gian để triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sẽ thí điểm đấu thầu dự án điện mặt trời trong năm 2020?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO