Nhà máy luyện thép 500.000 tấn ven sông Hậu: Cẩn trọng trong đánh giá tác động môi trường
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vừa đến kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất địa phương quyết liệt giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư nhà máy luyện thép.
Dự án Nhà máy luyện, cán thép Sunpro do Công ty TNHH MTV Sunpro Steel (Hong Kong) đầu tư có tổng vốn đầu tư đăng ký 67,3 triệu USD (1.550 tỷ đồng); quy mô diện tích khoảng 27,5ha; mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy luyện, cán thép từ nguồn thép phế liệu.
Địa điểm thực hiện dự án tại Cụm công nghiệp-tiểu thu công nghiệp Phú Hữu A - giai đoạn 3 (ven sông Hậu); công suất thiết kế luyện thép 500.000 tấn/năm, cán thép 500.000 tấn/năm. Tiến độ thực hiện dự án được chia làm 02 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 (từ năm 2018-2020) tiến hành xây dựng Nhà máy luyện thép, giai đoạn 2 (từ năm 2021-2023) xây dựng Nhà máy cán thép.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 1 của dự án có diện tích trên 9ha, đã kiểm kê 142 hộ, giao mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Sunpro Steel được 7,2ha, Chủ đầu tư đã phát quang mặt bằng được trên 5ha.
Hiện nay, dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Chủ đầu tư đã nộp hồ sơ thiết kế cơ sở về Sở Công Thương thẩm định, sau khi được phê duyệt Công ty sẽ trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo quy định.
Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay là còn một số hộ dân không đồng ý nhận tiền với nhiều lý do như giá bồi thường thấp, chưa phê duyệt đất ở thổ cư và vướng luật Quy hoạch. Còn phần điện sản xuất của nhà máy, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công thương xin bổ sung quy hoạch và tới đây tỉnh sẽ làm việc cụ thể với Bộ Công thương về vấn đề này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Châu Thành, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai dự án. Đối với Chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị khẩn trương phát quang, san lấp mặt bằng tại những vị trí được bàn giao để khởi công dự án trước Tết Nguyên đán.
Trao đổi với DĐDN-một vị PGS.TS chuyên ngành về môi trường (xin được dấu tên), bày tỏ băn khoăn “Về lý thuyết, nếu sử dụng công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện đại, tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định trong vận hành, thì hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án luyện thép.
Tuy nhiên, các nhà máy đầu tư công nghệ tiên tiến thì chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất tốn kém. Còn nếu nhà đầu tư Hong Kong sử dụng nhà máy dùng lò đứng công nghệ của Trung Quốc để nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép thì rất đáng lo ngại vì đây là công nghệ lạc hậu, rất ô nhiễm mà Trung Quốc đã loại bỏ từ lâu, bán rẻ như cho.
“Thử nhẩm tính với công suất luyện thép 500.000 tấn/năm, mỗi ngày nhà máy sẽ phải sản xuất hàng ngàn tấn thép thì phế liệu đâu ra để họ có nguyên liệu sản xuất ra con số khổng lồ đó?. Luật Bảo vệ môi trường quy định khi xây dựng dự án phải có ý kiến cộng đồng những nơi có thể bị ảnh hưởng. Con sông Hậu là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho nhiều tỉnh, thành trong vùng nên Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần hết sức cẩn trọng trong thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Có thể Bộ này cần phải lấy ý kiến các địa phương trong vùng và bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương nữa”, vị này cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Cam kết của Lee & Man có đáng tin?
15:20, 04/11/2016
Đại biểu Quốc hội nghi ngờ về cam kết của Lee & Man
09:30, 09/11/2016
Chặn sớm hiểm họa từ Lee & Man
13:00, 02/09/2017
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thị sát nhà máy giấy Lee & Man - Hậu Giang
09:17, 05/07/2018
Formosa hoãn khánh thành nhà máy luyện thép tại Việt Nam
11:46, 20/06/2016
Hậu Giang thu hút vốn FDI “vượt mặt” Cần Thơ
14:52, 27/11/2018