Sóc Trăng: Cần đưa dự án cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch

PHÚ KHỞI 20/11/2020 14:00

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dự án cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Ngày 20/11, Bộ KH-ĐT đã chủ trì tổ chức hội thảo tham vấn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về “Định hướng phát triển vùng ĐBSCL 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Riêng về lĩnh vực hàng hải, nhiều địa phương trong vùng đề xuất nghiên cứu đầu tư cảng nước sâu để phục vụ cho vùng trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, phía đơn vị tư vấn lập quy hoạch là liên danh Royal Haskoning DHV và GIZ cho rằng: hiện nay cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải chỉ mới sử dụng 50% công suất nên vùng ĐBSCL có thể tạm thời xuất nhập khẩu qua cảng này mà chưa cần thiết đầu tư cảng nước sâu Trần Đề. Theo dự báo của đơn vị tư vấn thì có thể sau năm 2030, khi sản lượng hàng hóa của Vùng đạt từ 1 triệu TEU/năm thì việc đầu tư cảng nước sâu Trần Đề mới đạt hiệu quả.

Để bảo vệ đề xuất của địa phương, Phó chủ tịch UBND Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp đề nghị Bộ KH-ĐT đưa dự án cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Bởi vì, ĐBSCL là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2019, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước. Kết quả đó không chỉ có ý nghĩa lớn đối với phát triển của vùng ĐBSCL mà còn đối với sự phát triển ổn định của cả nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp đề nghị đưa dự án cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp đề nghị đưa dự án cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch.

Về sản lượng xuất, nhập khẩu: hiện tại bình quân mỗi năm vùng này xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, rau quả hơn 10 triệu tấn và các mặt hàng khác. Nhu cầu nhập khẩu phân bón, sắt thép, than cho nhà máy nhiệt điện… dự báo tiếp tục tăng. Khi tuyến cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng hoàn thành thì cảng Trần Đề có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua đường bộ và đường thủy sông Mê Kông. Trong tương lai không xa, vùng này đã đạt sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa trên 1 triệu TEU. Việc đầu tư một cảng nước sâu phải mất từ 5-10 năm mới hoàn thành nên cần thiết phải đưa cảng nước sâu vào quy hoạch ngay từ bây giờ”, ông Nghiệp nói.

Ông Nghiệp cho biết thêm: Từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng Cảng nước sâu trung tâm vùng ĐBSCL và gần đây nhất là vào năm 2019 Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nội dung nghiên cứu các vị trí trong vùng ĐBSCL nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng Cảng biển nước sâu, trình Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong vùng ĐBSCL có một số vị trí có thể xây dựng Cảng biển nước sâu như: (Trần Đề - Sóc Trăng; Duyên Hải – Trà Vinh; Hòn Khoai – Cà Mau; Nam Du – Kiên Giang…). Tuy nhiên, tính theo điểm số về lợi thế so sánh (dựa trên các tiêu chí về khoảng cách vận tải; giải phóng mặt bằng; chi phí vận tải; duy tu bảo dưỡng; kết nối giao thông vận tải…) thì vị trí Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng có ưu thế nhất, chiếm số điểm cao nhất (62 điểm) về lợi thế so sánh. Còn xét về yếu tố đặc điểm vùng hấp dẫn và vai trò của cảng biển, quy mô cảng biển theo Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì vị trí Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng cũng chiếm số điểm cao nhất 74 điểm/thang điểm 100 (trong đó: đặc điểm vùng hấp dẫn đạt 26/30 điểm, vai trò cảng biển đạt 30/40 điểm và quy mô cảng biển đạt 18/30 điểm).

Về nguồn vốn đầu tư, theo ông Nghiệp, hoàn toàn có khả năng mời gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách bởi vì thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Hoa kỳ, Đức đã thực hiện nghiên cứu và đề xuất dự án. Do đó, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bổ sung quy hoạch để thực hiện kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Cảng nước sâu Trần Đề do tỉnh Sóc Trăng đề xuất có vị ngoài khơi, cách cửa biển Trần Đề khoảng 20km có độ sâu tự nhiên âm 20m, là khu vực biển hở có độ sâu dốc thoải đều ra biển ít bị bồi lắng, tiếp nhận được tàu thuyền có tải trọng lớn ra vào cảng. Với vị trị là trung tâm của vùng ĐBSCL, cảng Trần Đề thuận lợi về khoảng cách và khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thông qua các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa hiện hữu và dự kiến đầu tư theo quy hoạch (bao gồm các tuyến hiện hữu như Quốc lộ 1; Quốc lộ Nam Sông Hậu; Quốc lộ 60 với Cầu Đại Ngãi đang chuẩn bị xây dựng và các tuyến xây dựng trong tương lai như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến Cao tốc TPHCM - Cà Mau), từ đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho khu vực ĐBSCL tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án khu thương mại kinh tế biển Trần Đề (Sóc Trang): Xử lý trách nhiệm đơn vị tổ chức đấu giá

    Dự án khu thương mại kinh tế biển Trần Đề (Sóc Trang): Xử lý trách nhiệm đơn vị tổ chức đấu giá

    04:30, 02/11/2020

  • Dự án khu thương mại kinh tế biển Trần Đề: Chủ đầu tư “phủi” trách nhiệm

    Dự án khu thương mại kinh tế biển Trần Đề: Chủ đầu tư “phủi” trách nhiệm

    04:30, 01/10/2020

  • Dự án khu thương mại kinh tế biển Trần Đề (Sóc Trăng): Nhà đầu tư bán “vịt trời”!

    Dự án khu thương mại kinh tế biển Trần Đề (Sóc Trăng): Nhà đầu tư bán “vịt trời”!

    11:50, 13/09/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 15/6: Đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trần Đề

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 15/6: Đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trần Đề

    18:26, 15/06/2020

  • Cảng Trần Đề có làm tăng nợ công?

    Cảng Trần Đề có làm tăng nợ công?

    05:29, 20/03/2020

PHÚ KHỞI