Thêm hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhân lực khu công nghiệp
Mới đây, một đoạn video quay lại cảnh công nhân tại một KCN tại Bình Dương xô đổ cổng để tháo chạy sau khi nghe tin một đồng nghiệp nhiễm COVID-19 đã cho thấy sức tàn phá kinh khủng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sự việc này cũng cần được xem là hậu quả nhãn tiền do công tác quản lý nhân lực tại khu công nghiệp (KCN) lỏng lẻo.
Vì sao KCN, CCN cần quản lý nhân lực chặt chẽ?
Sau hơn 3 thập niên phát triển, hệ thống KCN, CCN tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, hoàn thiện nhiều khâu vận hành nhưng quản trị nhân lực vẫn là một lỗ hổng. Trước đây, vấn đề này cũng đã được đưa ra khi COVID-19 tấn công tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Suốt những ngày dịch bệnh bùng phát, nhiều KCN tại hai tỉnh này đã phải dừng hoạt động, hàng trăm ngàn công nhân bị ảnh hưởng cuộc sống, dẫn đến sự tê liệt lớn cho nền kinh tế của địa phương và cả nước nói chung. Và đến vụ việc công nhân tại Bình Dương xô đổ cổng khi nghe tin đồng nghiệp dương tính Covid-19 gần đây chính là giọt nước tràn ly.
Theo ý kiến của các chuyên gia, lý do đầu tiên khiến các KCN, CCN cần có cơ chế quản lý nhân lực chính là có thể ổn định tình hình, dễ dàng truy vết, theo dõi trong khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát. Đây có thể coi phương án hỗ trợ các cấp quản lý hữu hiệu trong việc kiểm soát dịch bệnh. Sau nhiều vụ việc KCN, CCN bị đóng băng hoạt động do COVID-19, các chủ đầu tư, ban quản lý có thể xem xét áp dụng những biện pháp quản lý nhân lực tập trung trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, khu chủ đầu tư, ban quản lý KCN, CCN tham gia vào quản lý nhân lực sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu chi tiết, góp phần đảm bảo an ninh trật tự bên trong nội khu. Hiện nay, các KCN, CCN đang để các doanh nghiệp tự quản lý nhân công của mình nên khi có vấn đề xảy ra, ban quản lý KCN sẽ rất bị động, dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Lý do thứ 3, nếu xây dựng một hệ thống quản lý nhân lực phù hợp, các KCN, CCN có thể thuận tiện trong việc chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, đặc biệt những người có hoàn cảnh đặc biệt. Từ đó giúp người lao động yên tâm cống hiến vì đằng sau luôn có doanh nghiệp và ban quản lý KCN, CCN hỗ trợ. Hiện nay, những phúc lợi cho công nhân như nhà ở, các chương trình tập thể, chế độ y tế,...ngày càng được coi trọng để có thể thu hút nhân lực tại các địa phương.
Cuối cùng, một KCN, CCN chủ động trong việc quản lý nhân lực chính là cầu nối đưa những nhân sự chất lượng cao đến với cơ hội được trau dồi, rèn luyện kỹ năng. Qua đó, họ có thể trở thành những công nhân tay nghề cao, có thêm cơ hội làm việc và nâng cao thu nhập. Trong tương lai, đây có thể là lực lượng tinh hoa của Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, là tấm gương cho cộng đồng công nhân cả nước.
Sự việc có thể tốt đẹp hơn nếu như….
Trở lại với câu chuyện tại Bình Dương, nhiều chuyên gia cho rằng, sự việc đáng tiếc có thể đã không xảy ra nếu như ban quản lý KCN đó có giải pháp bảo mật thông tin cũng như lên kế hoạch thông báo một cách hợp lý. Đây chính là lúc thể hiện vai trò của chủ đầu tư KCN, CCN trong công tác quản lý nhân lực nhằm ổn định tình hình và chờ cơ quan có thẩm quyền tiếp quản. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chủ đầu tư cần có những biện pháp trước đó để công nhân quen với sự quản lý và chấp hành khi được yêu cầu.
Với những tình huống ngặt nghèo như dịch bệnh, nếu không thể trấn an tinh thần công nhân, những hành động quá khích như xô đổ cổng để tháo chạy hoặc phản đối các biện pháp phòng dịch hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù sau đó các công nhân này đã quay trở lại để lấy mẫu xét nghiệm, nhưng cũng cho thấy sự hạn chế trong quản lý của nhiều KCN hiện nay.
Ngoài công tác tuyên truyền, các KCN, CCN cũng cần có sự chuẩn bị từ trước, cho công nhân thấy họ luôn được bảo vệ. Có như vậy, đội ngũ công nhân mới yên tâm chấp hành các quy định phòng chống dịch, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự hoặc quá trình kiểm soát dịch bệnh. Rất may mắn, vụ việc tại Bình Dương vừa qua được kiểm soát nhanh chóng với sự vào cuộc của lực lượng công an huyện và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, nếu còn tiếp tục xảy ra, không có gì chắc chắn các KCN khác có thể ứng phó nhanh chóng.
Trong thời gian gần đây, vấn đề quản lý nhân lực tại các KCN, CCN đang rất được quan tâm. Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, các chủ đầu tư cần nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ cơ quan liên quan. Từ đó hình thành nền tảng của cơ chế quản lý nhân lực hoàn thiện trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn
19:14, 02/07/2021
6/7: Tọa đàm “Quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng và giải pháp”
17:00, 04/07/2021
[TRỰC TIẾP] Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp
14:01, 06/07/2021
Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp
14:00, 06/07/2021
Phát triển nguồn nhân lực trong khu công nghiệp: Cầm vàng còn sợ vàng rơi
16:17, 08/06/2021
Quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp: Không bây giờ thì bao giờ?
14:00, 30/05/2021