Nhập siêu tăng mạnh, xuất siêu 2 tỷ USD có là thách thức?

LINH NGA 22/07/2021 04:00

Do thâm hụt lớn trong nửa đầu tháng 7 nên con số nhập siêu của nước ta tiếp tục bị nới rộng lên hơn 3 tỷ USD.

gfg

Nguyên nhân tình hình xuất khẩu hàng hoá bị sụt giảm trong nửa đầu tháng 7/2021 được cho là do tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển tăng do thiếu container, các hãng tàu tăng chi phí vận chuyển…

Theo thông tin mới nhất Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 7/2021 đạt 27,39 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,78 tỷ USD, giảm mạnh hơn 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 6/2021 và giảm tới 13,9% so với nửa đầu tháng 7/2020. Kim ngạch nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD, tăng gần 700 triệu USD so với nửa cuối tháng 6/2021 nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 15 ngày đầu tháng 7/2021 Việt Nam đã nhập siêu 1,82 tỷ USD.

Trong nửa đầu tháng 7/2021, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD là điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhóm hàng máy móc thiết bị và nhóm hàng dệt may. Các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,1 tỷ USD.

fd

Trong nửa đầu tháng 7/2021, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD là điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử...

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/7/2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 345,45 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu 171,22 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu 174,23 tỷ USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021 Việt Nam đã nhập siêu 3,01 tỷ USD.

Nguyên nhân tình hình xuất khẩu hàng hoá bị sụt giảm trong nửa đầu tháng 7/2021 được cho là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển tăng do thiếu container, các hãng tàu tăng chi phí vận chuyển…

Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù xu hướng nhập siêu đã quay trở lại, song mức độ nhập siêu của Việt Nam vẫn là con số khá nhỏ. Từ trước đến nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện, nguyên phụ liệu. Bởi vậy, nhập khẩu vượt xuất khẩu một chút không phải vấn đề lớn.

Trong trường hợp các yếu tố tác động ở mức như hiện tại hoặc thuận lợi hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay được Bộ Công Thương dự báo có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD.

Nhìn nhận về cơ hội xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn chứng về quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và khu vực đang diễn ra, trong đó, Mỹ và EU là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bước đầu khống chế được dịch, là điều kiện để nền kinh tế phục hồi trở lại. Một thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang có đà phục hồi tích cực. Đó là những yếu tố từ bên ngoài - dư địa cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Việc Việt Nam đã quay lại nhập siêu trong 6 tháng đầu năm - sau khi đã liên tục xuất siêu 4 tháng và cả 5 năm trước đó, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng không đáng ngại, bởi nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng qua cho thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu (ước tính tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 40,2% và nhóm hàng tiêu dùng tăng 28%). Yếu tố đưa Việt Nam đến nhập siêu có vấn đề của nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm lên tới 7,7 tỷ USD, song theo ông Nguyễn Anh Dương vẫn có những động lực để khu vực này phục hồi trở lại.

Trước những lo ngại dịch COVID-19 đã xâm nhập vào một số khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu lớn trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh phía Nam như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã làm giảm tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng gần đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay đang theo dõi để xem khả năng kéo dài của dịch bệnh còn tác động đến đâu, tuy nhiên, với tình hình khống chế dịch như hiện nay thì đợt dịch này có thể khống chế được trong khoảng 1-2 tháng nữa.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức tăng trưởng như kì vọng và ngày càng bền vững, ông Trần Thanh Hải phân tích, điều quan trọng nhất là xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại. "Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này”, ông Trần Thanh Hải nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp có hài lòng khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hải quan?

    Doanh nghiệp có hài lòng khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hải quan?

    10:41, 15/07/2021

  • Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống bán phá giá đường lỏng chiết xuất nhập khẩu

    Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống bán phá giá đường lỏng chiết xuất nhập khẩu

    13:01, 01/07/2021

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 2) Xuất nhập khẩu hàng hoá có gì đáng chú ý?

    Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 2) Xuất nhập khẩu hàng hoá có gì đáng chú ý?

    03:55, 01/07/2021

  • Vì sao Bộ Công Thương hỏa tốc kiểm tra doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo?

    Vì sao Bộ Công Thương hỏa tốc kiểm tra doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo?

    11:00, 28/06/2021

LINH NGA