“Rộng cửa” cho hàng không ASEAN-EU
ASEAN và Liên minh Châu Âu (EU) đã hoàn tất đàm phán và chuẩn bị ký kết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU (AE CATA).
Thỏa thuận này cho phép các hãng hàng không của bên này bay thẳng không hạn chế số lần bay tới các điểm đến ở phía bên kia, mở ra cơ hội lớn cho các hãng hàng không của ASEAN và EU.
Một sáng kiến thức thời
ASEAN hiện nay là khu vực phát triển kinh tế sôi động bậc nhất thế giới, bao gồm nhiều quốc gia mới nổi; sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu đã biến nơi này thành thị trường buôn bán, khởi nghiệp và đầu tư hấp dẫn.
Trong khi EU có kinh nghiệm, công nghệ; nhiều quốc gia ASEAN đang thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này như một giải pháp tăng cường hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác nguồn khách du lịch phong phú.
Vì vậy, một Hiệp định vận tải hàng không giữa hai bên là khung khổ cần thiết để đưa vận tải hàng không trở thành một trong những động lực quan trọng cho phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của cả hai bên và tạo cú hích mới cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và EU nói chung. Hiệp định này cũng được xem là tiền đề quan trọng để hai bên tiến tới đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU.
Nhiều triển vọng
Với AE CATA, những ngành hàng không nhỏ, vốn bị cản trở bởi chất lượng dịch vụ, an toàn bay, tiêu chuẩn quốc tế, có thể mở các trung tâm hàng không ở Châu Âu để thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công vụ. Những thành viên ASEAN được tiếp cận với các tiêu chuẩn về dịch vụ đẳng cấp, an toàn hàng không và bảo vệ môi trường- vốn là điểm yếu ở những hãng hàng không nhỏ, không đủ tiềm lực khai thác đường bay quốc tế liên lục địa.
Đơn cử, Việt Nam có thể sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển một số nông sản đặc phẩm xuất khẩu sang thị trường EU- từng là vấn đề hóc búa vì yêu cầu bảo quản ngặt nghèo. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể giảm thiểu chi phí xuất nhập khẩu khi giao thương với các đối tác EU.
Trong điều kiện hiện nay, AE CATA rất nhiều triển vọng, bởi EU là khu vực tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, họ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sớm. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hàng không và du lịch khi “hộ chiếu vaccine” chính thức hoạt động. Nhưng tất cả không phải màu hồng, bởi lưu lượng hàng hóa, tần suất bay được mở rộng như nhau với tất cả các thành viên tham gia Hiệp định này. Các hãng bay Châu Âu sẽ tăng cường khai thác thị trường ASEAN, bao gồm cả đón khách khứ hồi lẫn vận tải hàng hóa đi lại giữa hai khu vực.
Ngoài ra, EU có thị trường hàng không nội địa chung, trong khi ASEAN chưa có sự liên kết này. Do đó, phía EU có thể hưởng lợi nhiều hơn từ Hiệp định này so với các nước ASEAN. Điều này buộc phía ASEAN sẽ phải có những chuyển đổi thích hợp để tận dụng cơ hội từ Hiệp định.
Có thể bạn quan tâm
Trực tiếp: Chung kết Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu ASEAN - EWC ASEAN 2021
14:00, 06/08/2021
Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ ASEAN phòng chống đại dịch Covid-19
15:23, 04/08/2021
Việt Nam nhập siêu lớn từ thị trường ASEAN
10:00, 26/07/2021
Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nội khối ASEAN
04:00, 09/07/2021
Việt Nam đăng cai Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9
11:00, 01/07/2021