TP.HCM: Tuyến metro số 1 tiếp tục xin lùi thời hạn về đích
Gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tiếp tục xin lùi thời hạn về đích đến năm 2024.
Theo đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM.
Báo cáo của MAUR cho biết, đến thời điểm hiện tại, tuyến metro số 1 đã hoàn thành 87,5% khối lượng toàn dự án, dự kiến sẽ đạt 91% vào cuối năm 2021. Tại Quyết định số 4856 ngày 13/11/2019, thời gian thực hiện và đưa vào vận hành dự án tuyến metro số 1 là cuối năm 2021.
Để đảm bảo tiến độ này, từ cuối năm 2019, dự án đã được triển khai mạnh mẽ để tăng tốc. Trong năm 2020, tổng tiến độ của dự án tăng hơn 10% dù còn nhiều khó khăn ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 bắt đầu diễn ra ở Việt Nam và đồng thời phải xử lý các vướng mắc kéo dài từ thời điểm bắt đầu triển khai dự án.
Tuy nhiên, với đợt dịch bùng phát vào năm 2021 khiến việc triển khai dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là việc huy động nhân sự (trong và ngoài nước), từ đó gây ảnh hưởng đến các gói thầu thi công, thiết bị. Theo đó, các biến động về nhân công chủ yếu phụ thuộc vào các biện pháp triển khai nhằm hạn chế khả năng ảnh hưởng dịch COVID-19 trong nước.
Ngoài ra, cũng có tâm lý e ngại dịch COVID-19 dẫn đến số lượng lớn nhân công rời bỏ công trường và trở về địa phương sinh sống. Dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã thực hiện các biện pháp thi công “3 tại chỗ", di chuyển theo “1 cung đường - 2 điểm đến" nhưng với các lý do nêu trên, số lượng nhân công của dự án vẫn tiếp tục sụt giảm. Trong 2 tháng đầu quý III, số lượng nhân công suy giảm mạnh, từ trên 2.000 nhân sự giai đoạn đầu năm, đến tháng 8 chỉ còn 544 người.
Cũng theo MAUR, từ tháng 2/2020, phía JICA và Tư vấn chung đã thông báo đến chủ đầu tư những lưu ý liên quan tới tác động của dịch COVID-19 như ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án; các nhà thầu sẽ xem xét gửi các khiếu nại liên quan (do thiếu hụt trong thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng).
Đến nay, việc thực hiện các thủ tục nhập cảnh; nhập khẩu thiết bị, vật liệu; việc tiến hành thử nghiệm, nghiệm thu tại nhà máy (FAT)... tiếp tục bị ảnh hưởng. Các nhà thầu đã đệ trình các khiếu nại liên quan đến dịch COVID-19. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt về nguồn nhân lực và cung cấp vật tư; hủy đặt tàu, lưu kho, bảo dưỡng phát sinh cho đoàn tàu đầu tiên tại Kasado; thực hiện quá trình cách ly bắt buộc do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đó, các nhà thầu đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành và bổ sung các chi phí phát sinh do dịch COVID-19.
"Hiện nay Ban Quản lý Đường sắt đô thị với vai trò là chủ đầu tư của dự án đang nỗ lực cùng Tư vấn chung NJPT và các nhà thầu xây dựng lại tiến độ của dự án trên cơ sở đánh giá từng tác động cụ thể đến tiến độ. Dự kiến thời gian hoàn thành thực hiện và thi công dự án vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 như các nhà thầu đã tính toán", văn bản của MAUR nêu.
Được biết, ngày 6/9 vừa qua, Bộ Tài chính đã có phản hồi UBND TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn về vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng 2 tuyến metro số 1 và số 2.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, dự án tuyến metro số 1 đang có vướng mắc vì căn cứ quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán phần vốn cấp phát cho Dự án theo tiền Đồng (VNĐ) tại thời điểm phê duyệt Quyết định đầu tư dự án ban đầu, nay lại áp dụng đồng tiền vay là Yên Nhật (JPY) nên có chênh lệch.
Liên quan tới vấn đề tỷ lệ cấp phát/ cho vay lại, căn cứ ý kiến đồng thuận của TP.HCM, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về tỷ lệ cấp phát dự án là 67,5%/ tổng vốn vay theo tổng mức đầu tư ban đầu, phần tổng mức đầu tư tăng thêm áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.
“Để thúc đẩy giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND TP.HCM cần thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số vốn cấp phát cho Dự án phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay khi Dự án được giao kế hoạch vốn cấp phát và có đề nghị rút vốn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rút vốn”, Bộ Tài chính thông tin.
Tuyến metro số 1 dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm với tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỉ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) và kết thúc ở ga Bến Thành (quận 1).
Dự án metro số 1 là tuyến metro đầu tiên của TP.HCM, được phê duyệt từ năm 2007 và có mốc hoàn thành vào năm 2015. Do các yếu tố khách quan như điều chỉnh dự án cho phù hợp, metro số 1 tiếp tục lùi thời hạn đến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành khai thác.
Tiếp đó, công trình được kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2021 nhưng đến nay với việc ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự án lại tiếp tục xin lùi tiến độ về đích đến cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM gấp rút chuẩn bị chính sách cấp "thẻ xanh vaccine"
17:05, 07/09/2021
TP.HCM: Tập trung tháo gỡ “3 khó khăn” cho doanh nghiệp
11:00, 07/09/2021
TP.HCM sẽ mở lại một số loại hình kinh doanh sau ngày 15/9
00:00, 07/09/2021
TP.HCM: Cần khoảng 22.300 tỷ đồng để hồi phục kinh tế hậu giãn cách
17:07, 06/09/2021
“Tắc vốn”, TP HCM "cầu cứu" Chính phủ gỡ vướng tuyến metro số 1
04:00, 23/03/2021
Gỡ khó cho tuyến metro số 1 TP HCM
00:04, 14/09/2019