Suốt hơn một năm qua, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa thể giải ngân hơn 4.600 tỉ đồng do chưa thống nhất giá trị ODA cấp phát từ ngân sách trung ương...
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Đến nay, dự án metro số 1 đã đạt 82,5% tổng khối lượng công việc. Chủ đầu tư đang phối hợp với các tư vấn, nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu mục tiêu năm 2021 hoàn thành công tác thi công, lắp đặt thiết bị để chuẩn bị vận hành khai thác.
Tuy nhiên theo UBND TP, đến nay việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại cho dự án bằng tiền yen (Nhật) hay tiền Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ. Mặc dù UBND TP đã nhiều lần có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng và đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Trong khi Bộ Tài chính muốn tính theo Yên Nhật mà Chính phủ đã vay, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn quy đổi sang tiền đồng Việt Nam.
Lần gần nhất, ngày 8/2/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Văn phòng Chính phủ về ý kiến của UBND TPHCM liên quan xác định giá trị ODA cấp phát từ Ngân sách Trung ương cho dự án.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TPHCM thực hiện điều chỉnh lại quyết định đầu tư dự án, trong đó tổng mức đầu tư được quy đổi sang tiền đồng Việt Nam theo tỉ giá ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế có liên quan.
UBND TP cho biết hiện nay vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại của dự án đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân kế hoạch vốn.
Cụ thể, năm 2020 dự án đã được phân bổ số vốn 2.185 tỉ đồng nhưng không được giải ngân. Năm 2021, dự án đã được phân bổ số vốn hơn 2.484 tỉ đồng hiện vẫn chưa có cơ sở giải ngân.
Tuyến metro số 1 dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm với tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỉ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) và kết thúc ở ga Bến Thành (quận 1).
Hồi tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên từ Nhật Bản cập cảng Khánh Hội và được vận chuyển về Depot Long Bình, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho tuyến metro đầu tiên của TP HCM.
Có thể bạn quan tâm
Dự án đường sắt đô thị TP.HCM (metro số 1): Vì sao nhà thầu phụ "tập trung, khiếu nại"?
16:07, 06/08/2020
Sẽ ưu tiên giải quyết hồ sơ đẩy nhanh tiến độ hai dự án metro số 1 và 2
00:00, 12/12/2019
TP HCM đề nghị vay lại 23.931 tỷ đồng để làm Metro số 1
02:40, 08/12/2019
Gỡ khó cho tuyến metro số 1 TP HCM
00:04, 14/09/2019