Cần chiến lược marketing liên kết hiệu quả
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn rất khả quan.
>>Động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có những chiến lược hiệu quả để đạt những kết quả đột phá trong xuất khẩu. DĐDN đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Võ Văn Quang xung quanh vấn đề này.
Chuyên gia Võ Văn Quang cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 28%, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm như Mỹ với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 30%… Với đà tăng trưởng này, dự kiến xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 5 năm tới.
- Có nhiều ý kiến cho rằng thị trường Châu Âu và Trung Đông-Bắc Phi còn rất nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng vậy, Việt Nam cần phát triển mạnh tại hai thị trường lớn là Châu Âu và Trung Đông – Bắc Phi (MENA). Trong đó, thị trường Châu Âu đang có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết. Hiện nay, Nghị viện Châu Âu đang tiếp tục thông qua qua Hiệp định EVIPA. Như vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn với thị trường này.
Trong khi thị trường Trung Đông – Bắc Phi có nhu cầu hàng hóa rất lớn trên nhiều lĩnh vực với nguồn tiền dồi dào. Khu vực này đang nổi lên là một trung tâm mới của thế giới khi có nhiều hoạt động đang được tổ chức tại các quốc gia ở khu vực này, điển hình là các sự kiện tầm cỡ thế giới tại UAE và Qatar. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đi những bước đầu tiên khi các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu thô tại khu vực này. Bên cạnh đó, các thương hiệu lớn của Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại thị trường Trung Đông – Bắc Phi.
- Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội và thách thức để tạo chỗ đứng toàn cầu cho nhãn hiệu Việt. Theo ông, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược như thế nào để nâng cao vị thế của mình trên thị trường thế giới?
Để tấn công các thị trường đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược marketing liên kết hiệu quả thông qua việc xây dựng thương hiệu lớn mạnh mang tư duy toàn cầu. Chẳng hạn như ngành cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về khối lượng xuất khẩu thô; nhưng về giá trị, lại nằm ở vị trí thứ 5 toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có một số cái tên nổi tiếng trong ngành cà phê như King Coffee, G7, Trung Nguyên… Một số thương hiệu khác cũng khá tiềm năng nhưng vẫn nằm ở quy mô nhỏ. Như vậy, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức lẫn cơ hội để tạo dựng chỗ đứng toàn cầu cho nhãn hiệu Việt.
Tương tự, với lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam mới chỉ có thương hiệu Hạt Ngọc Trời của Tập đoàn Lộc Trời là nổi bật, còn các thương hiệu khác chỉ đang chủ yếu hoạt động trong thị trường nội địa. Thương hiệu Gạo ST25 vẫn còn gặp nhiều sai sót trong chiến lược thương hiệu. Điều này cho thấy việc xây dựng thương hiệu trong ngành gạo vẫn chưa chuyên nghiệp và 80% vẫn ở dạng xuất thô. Tuy nhiên, hiện tại đã có doanh nghiệp bắt đầu xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp và bước đầu thành công khi mang những loại gạo nổi tiếng lên các kệ hàng châu Âu dù số lượng vẫn còn tương đối nhỏ.
- Cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt vẫn còn rộng mở. Vậy các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này như thế nào, thưa ông?
Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam là cơ hội của thị trường. Và khi thay đổi tư duy, các doanh nghiệp có thể tìm thấy nhiều sản phẩm tiềm năng để từ đó gia tăng năng suất, kết hợp cùng các biện pháp quản trị thông minh, sản xuất theo tiêu chuẩn của từng khu vực. Như vậy, các cơ hội cho sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường toàn cầu vẫn rất rộng mở bất chấp đại dịch COVID-19.
- Chân thành cảm ơn ông!
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi dù chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang bị đứt gãy. Trong thời gian tới, cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng nếu kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi như hiện nay.
Cùng với đó, nhóm hàng nông sản có khả năng tiếp tục cán mức giá xuất khẩu cao hơn. Nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng, khoáng sản, đặc biệt dầu khí xuất khẩu sẽ tăng giá do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng cao trong mùa đông.
Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và thậm chí tăng quy mô xuất khẩu để bù lại cho thời gian gián đoạn, nhằm tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định với tốc độ xuất khẩu như hiện nay, dự kiến 2 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu không có biến động nào quá lớn, dự kiến cả năm nay xuất khẩu sẽ đạt khoảng 320 tỷ USD. Và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 640-650 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 600 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thêm “cánh tay nối dài” với hải quan
04:20, 20/11/2021
Xây dựng các giải pháp đồng bộ thông quan hàng xuất nhập khẩu
20:41, 26/10/2021
Động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm
04:00, 25/10/2021
Xuất nhập khẩu 2021: 600 tỷ USD có trong tầm tay?
04:00, 18/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tháo gỡ khó khăn về thuế xuất nhập khẩu
04:10, 04/10/2021
[Infographic]: Xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2021 có gì đáng chú ý?
11:00, 16/09/2021