Thương mại điện tử xuyên biên giới: Doanh nghiệp Việt đủ năng lực tham gia
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới khi đáp ứng được một số yêu cầu từ quốc gia xuất khẩu đến quốc gia nhập khẩu.
>>Thương mại điện tử xuyên biên giới: Giảm chi phí doanh nghiệp, đến tay người dùng cuối
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định tại cuộc họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com, ngày 30/11.
Ông Bùi Huy Hoàng nêu một ví dụ cụ thể, 1kg vải thiều ở Việt Nam giá khoảng 30.000 VNĐ, khi sang tới thị trường châu Âu có thể lên tới 500.000 đồng. Như vậy, trái vải đã gánh quá nhiều chi phí như thủ tục pháp lý, kiểm tra kiểm soát, vận chuyển, thuế, nhân công ... trước khi lên kệ hàng tại châu Âu.
Tăng năng lực, giảm rủi ro
“Do đó, giá bán buôn khi chúng ta xuất khẩu cho một đối tác không phải là giá bán lẻ cuối cùng trên kệ hàng hay trên trang thương mại điện tử”, ông Bùi Huy Hoàng nói và cho biết một số yêu cầu khi doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới tại thị trường nước ngoài.
Thứ nhất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, cụ thể là Trung Quốc.
Thứ hai, nắm được các quy định pháp luật về xuất nhập khẩu và thương mại điện tử. Hiểu sâu về thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, nền tảng thương mại điện tử. Có kinh nghiệm vận hành thương mại điện tử ở nước ngoài.
Thứ ba, có năng lực tài chính. Nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng khi xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ tư, có nguồn lực vận hành. Có nguồn lực thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, chủ động phát triển thương hiệu.
Đánh giá về mục tiêu xây dựng "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn JD.com, theo ông Bùi Huy Hoàng, đó là nhằm tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp Việt và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt khi bước chân ra một sân chơi lớn của thế giới.
Đối với khâu vận hành và logistics ông Bùi Huy Hoàng cho biết, việc hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc, với kinh nghiệm vận hành thương mại điện tử tại nước sở tại hàng chục năm, những tham vấn và khuyến cáo cả về mặt thị trường và mặt pháp lý của JD là rất quan trọng.
Còn đối với năng lực logistics vượt trội tiếp cận rộng rãi người tiêu dùng Trung Quốc, JD Logistics với năng lực vượt trội có thể đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt tới tay người tiêu dùng cuối cùng trong thời gian từ 1-3 ngày trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc bằng ứng dụng công nghệ logistics hiện đại.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, là các đơn vị vận hành tại Việt Nam uy tín, có kinh nghiệm. Đơn vị vận hành và logistic tại Việt Nam là những đơn vị lớn, có kinh nghiệm vận hành quốc tế sẽ tư vấn trực tiếp hỗ trợ cho các nhà sản xuất Việt các phương án vận chuyển ưu đãi, xuất nhập khẩu và phương án kinh doanh tại JD.com.
Về các giải pháp hỗ trợ tài chính, theo ông Bùi Huy Hoàng, VP Bank hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp với nhiều gói ưu đãi riêng. Đặc biệt là hỗ trợ tạm ứng lên đến 100% giúp doanh nghiệp có thể có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, không bị đọng vốn khi chưa được phía nước ngoài thanh toán.
Visa cũng đưa ra các giải pháp về thanh toán số, quản trị tài chính doanh nghiệp Với năng lực tổ chức tài chính quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đưa hình ảnh sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng trong hệ sinh thái của Visa ở nước ngoài.
Đối với việc hỗ trợ kết nối thị trường và quảng bá hình ảnh, các cơ quan Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... cùng Sàn thương mại điện tử JD sẽ có những hoạt động quảng bá "Gian hàng Quốc gia Việt Nam”, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Trung Quốc một cách đồng bộ, bài bản, có quy mô.
Trang thông tin tuhaoviet.vn là cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương hưởng ứng "Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cung cấp đầy đủ các tài liệu hướng dẫn, thông tin các chương trình mà Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch kiêm TGĐ công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), Phó chủ tịch hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, Vinanutrifood sở hữu chuỗi siêu thị Nutri mart tại Việt Nam , Trung Quốc , Thái Lan.
“Nutri mart được định hướng là chuỗi siêu thị thuần Việt giới thiệu sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, được làm bởi người Việt Nam tới thị trường nội địa và đưa mô hình Nutri Mart ra thế giới, để người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, Khách hàng trên thế giới ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Hằng bày tỏ.
Vẫn theo bà Hằng, là hệ thống siêu thị thuần Việt đầu tiên bán 100% sản phẩm “MADE IN VIET NAM - MADE BY VIET NAM” tạo chỗ đứng cho sản phẩm Việt, là hệ thống chuỗi siêu thị hàng Việt đầu tiên phát triển thị trường quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan và chúng tôi sẽ đưa Nutri Mart tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp sở hữu hệ thống bán lẻ sản phẩm tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, Vinanutrifood không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu Quốc Tế.
>>Sớm có Luật Thương mại điện tử xuyên biên giới
3 giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp
Tới nay, Vinanutrifood đã xây dựng thành công và đi vào hoạt động ổn định chuỗi siêu thị 1000 điểm bán Nutri Mart trên toàn quốc. Khai trương và đi vào hoạt động các siêu thị Nutri Mart tại Trung Quốc, Thái Lan đầu năm 2022. Đến năm 2025 đạt 10.000 điểm bán mang thương hiệu Nutri Mart trên toàn quốc.
Là doanh nghiệp đa kênh, Vinanutrifood tăng cường đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trên nền tảng 20 sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế tại nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Mỹ…
Vinanutrifood sẽ cùng các đối tác được Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương Việt Nam ủy quyền là đơn vị phối hợp vận hành & quản lý “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com, là một trong những sàn thương mại điện tử có quy mô lớn nhất và uy tín hàng đầu tại thị trường Trung Quốc.
“Nhận trọng trách này, Vinanutrifood xem đây không chỉ là niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao, mà còn là cơ hội mới đầy tiềm năng cho Vinanutrifood nói riêng và với toàn thể các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung”, bà Hằng chia sẻ.
Việc xúc tiến triển khai kênh bán hàng xuyên biên giới trên JD.com dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các Bộ ngành Trung ương, cơ quan địa phương, Hiệp hội ngành hàng tạo ra một sân chơi mới, không kém thách thức nhưng cũng chứa đầy những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt muốn hướng tới thị trường tỷ dân,là bàn đạp đưa các sản phẩm Việt có chất lượng cao tiếp cận nhanh hơn tới khách hàng, nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập mới, cơ hội đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Vinanutrifood mong muốn thông qua chương trình bán hàng xuyên biên giới kết nối, phát triển đưa thương hiệu Việt Nam quảng bá lên sàn thương mại điện tử JD tại thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
“Chúng tôi luôn đề cao sứ mệnh cộng đồng, đặt giá trị lợi ích người tiêu dùng, hình ảnh sản phẩm của quốc gia lên hàng đầu, phối hợp với Cục thương mại điện tử và kinh tế số tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, tạo tiền đề phát triển cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận nhanh nhất tới thị trường quốc tế”, bà Hằng khẳng định.
Trao đổi về các gói giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng DNNVV của VPBank (VPBank SME) đưa ra 3 giải pháp.
Một là, gói tài khoản cho phép tự chọn số theo yêu cầu của doanh nghiệp, gói tài khoản này gần như sẽ miễn 100% các loại phí duy trì, phí nộp thuế điện tử, phí chi lương, phí thường niên, phí chuyển khoản trực tuyến liên ngân hàng... Đặc biệt là miễn phí nhận ngoại tệ cũng như giảm 20 điểm khi mua hay bán ngoại tệ.
Hai là, để hỗ trợ vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu từ nguồn hàng quốc tế, VPBank miễn phí thường niên khi doanh nghiệp mở thẻ tín dụng quốc tế. Với thẻ tín dụng quốc tế, doanh nghiệp sẽ sử dụng hạn mức đến 2 tỷ đồng để mua hàng và thanh toán trực tuyến tại các nhà cung cấp chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế với thời gian miễn lãi lên đến 45 ngày.
Ba là, nguồn vốn ưu đãi giảm lên đến 2% lãi suất các khoản vay phục vụ bổ sung vốn lưu động. Nguồn vốn này không cần tài sản đảm bảo hoặc hạn mức vay lên đến 100% tài sản đảm bảo và cho phép doanh nghiệp linh hoạt thời gian, phương thức trả nợ theo khả năng tài chính của doanh nghiệp. Đặc biệt, riêng với doanh nghiệp có chủ là nữ, VPBank giảm lãi suất vay lên đến 4% so với khách hàng thông thường.
“Như vậy, với gói giải pháp tài chính từ VPBank, doanh nghiệp gần như được hỗ trợ toàn diện về nguồn vốn và dòng tiền khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử JD.com”, ông Hưng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Giảm chi phí doanh nghiệp, đến tay người dùng cuối
12:36, 28/11/2021
Thay đổi toàn diện thương mại điện tử Việt Nam và điểm sáng thanh toán số
15:30, 26/11/2021
Vietnam Airlines "lấn sân" thương mại điện tử
14:42, 22/11/2021
Thương mại điện tử vào mùa “đại chiến” cuối năm
02:00, 14/11/2021
“Sức mạnh” thương mại điện tử trong đại dịch
19:28, 11/11/2021
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử
05:08, 07/11/2021
Thách thức mới cho thương mại điện tử trong "bình thường mới"
15:46, 25/10/2021