Sản lượng phân phối qua các sàn thương mại điện tử lớn mùa vải năm nay đạt trên 9.000 tấn, với gần 1 triệu đơn hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Cam, Bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, ngày 11/11.
Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, như vậy sản lượng tiêu thụ đã tăng gấp 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng là khoảng 2.000 tấn tiêu thụ qua thương mại điện tử ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh.
Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2021 tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ giúp đỡ của các Bộ ngành Trung ương như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông …trong công tác hỗ trợ phát triển thị trường và các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh trên các kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử ngay trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang bùng phát dịch Covid-19 đã đạt được kết quả hết sức tích cực
Thời gian này, tỉnh Bắc Giang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch các loại nông sản, như: Cam, khoảng 48.000 tấn; Bưởi, khoảng 36.000 tấn; Na, khoảng 4.000 tấn; thịt lợn, khoảng 60.000 tấn; thịt gà, khoảng 17.000 tấn và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm Cam, Bưởi, Na, thịt lợn, thịt gà và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm quảng bá, giới thiệu các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường những tháng cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và thời gian tới tại thị trường trong nước và xuất khẩu; gắn với giới thiệu tiềm năng du lịch, lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngoài các kênh phân phối truyền thống đã đóng góp rất lớn cho việc tiêu thụ trái vải vừa qua, năm nay Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức đẩy mạnh thêm kênh phân phối hiện đại qua các sàn thương mại điện tử lớn trong nước.
Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới còn diễn biến phức tạp, nên Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của các mặt hàng nông sản.
Bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống tiếp tục phát huy hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kênh phân phối hiện đại.
Với hàng nghìn tấn nông sản các tỉnh, thành phố khu vực Bắc, Trung, Nam đã được triển khai tiêu thụ trên môi trường trực tuyến, qua các Sàn thương mại điện tử trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước với nhiều chương trình và hình thức khác nhau có gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ Bắc Giang nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương thông qua việc lồng ghép các hoạt động liên quan của Bộ, như các Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Nông sản thực phẩm an toàn, Xúc tiến thương mại quốc gia, Thương hiệu quốc gia, Khuyến công quốc gia, Phát triển Thương mại điện tử quốc gia…
Chủ động tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu; đồng thời tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông, xuất khẩu nhằm tăng khả năng kết nối, tiêu thụ cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh.
Trong thời gian vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang, các đơn vị liên quan và các sàn thương mại điện tử lớn triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản tới mùa vụ của tỉnh Bắc Giang nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung trên nền tảng số.
Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển & Thương hiệu – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, trong điều hiện diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19 hiện nay, việc lưu thông, xuất khẩu nông sản, đặc sản, trái cây đang gặp phải một số khó khăn nhất định thì việc đẩy mạnh phân phối nông sản trên các Sàn thương mại điện tử là một giải pháp vô cùng hiệu quả và kịp thời.
Từ những ngày đầu năm 2021 đến nay, các sàn thương mại điện tử cũng như các doanh nghiệp logistics đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản của bà con nông dân Sóc Trăng, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hà Giang, Hòa Bình… và nhiều địa phương khác.
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hy vọng thông qua sàn thương mại điện tử Postmart và các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, phương thức bán hàng mới sẽ góp phần thay đổi thói quen, nhận thức cũng như phương pháp sản xuất, ý thức về sản xuất nông nghiệp sạch, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất là lượng cho các sản phẩm nông nghiệp nông thôn.
Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho biết, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn do Sendo phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức vào tháng 6/2021 đã đạt sản lượng 130 tấn chỉ sau 5 ngày là một thành công vượt mong đợi.
Bên cạnh đó, một thành công còn quan trọng hơn là kinh nghiệm đúc kết từ chiến dịch chương trình triển khai thành công nhất thiết phải có sự hợp tác và ủng hộ của bản thân các HTX và bà con nông dân tại địa phương.
Chiến dịch Vải thiều Lục Ngạn là lần đầu tiên Sendo áp dụng hình thức cho người nông dân trực tiếp livestream giới thiệu sản phẩm tại vườn và đã lập tức gây được tiếng vang, nhận được ủng hộ của người tiêu dùng cả nước.
Thêm vào đó, quy trình đóng gói vận chuyển cũng đã được cải tiến rất nhiều so với trước để nông sản đến tay khách ngày càng nhanh và tươi xanh hơn, ngay cả trong bối cảnh bình thường mới.
Với chương trình lần này, Sendo quay lại Bắc Giang với mục tiêu còn cao hơn trước về cả chủng loại hàng hóa và sản lượng bán ra. Bên cạnh các hoa quả Na, Cam, Bưởi với mục tiêu chục tấn mỗi loại, Sendo cũng sẽ có lần đầu tiên thử nghiệm xúc tiến tiêu thụ thịt lợn và gà trực tiếp từ vùng sản xuất. Với kinh nghiệm đã có cộng với sự ủng hộ của ban ngành địa phương, Sendo tự tin với mục tiêu lần này.
Trong thời gian qua, Lazada cũng là một trong các sàn thương mại điện tử tích cực phối hợp cùng các cơ quan của Bộ Công Thương như Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến Thương mại và các Sở Công Thương các tỉnh trong việc kết nối, hỗ trợ đưa nông sản Việt lên môi trường số.
Đại diện Lazada tin tưởng rằng các hoạt động này sẽ tạo đà để doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và bà người nông dân làm quen với mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp họ đa dạng hóa kênh bán hàng, đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh nhiều mặt hàng khác.
Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả cho hoạt động này trong thời gian tới, các sàn rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để có thể tiếp tục hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Cam, Bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Giang giữa Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang với các Sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart, Shopee (Farm) tại đầu cầu Hà Nội và Bắc Giang nhằm khởi động Chương trình tổ chức phân phối các nông sản tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang trên các Sàn thương mại điện tử lớn cũng như các kênh trực tuyến khác.
Có thể bạn quan tâm
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử
05:08, 07/11/2021
Thách thức mới cho thương mại điện tử trong "bình thường mới"
15:46, 25/10/2021
Thương mại điện tử sau đại dịch, các startup Việt nên tận dụng lợi thế đối tác
05:18, 18/10/2021
Câu chuyện khởi nghiệp của ông trùm thương mại điện tử Hiroshi Mikitani
04:23, 03/10/2021