M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022?
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, M&A trong các lĩnh vực như Fintech, dịch vụ tài chính, logistics… sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
>>Siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Hoạt động M&A quỹ đất sẽ chậm lại
Bất chấp đại dịch khó lường, quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam vẫn tăng 18% đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A vẫn có sự tăng trưởng dù gặp nhiều thách thức do đại dịch. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ tại Việt Nam bất chấp diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19 cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ quan sát của ông Phương, sau hai năm đại dịch hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ; chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.
Là một người quan sát thị trường Việt Nam đã lâu, ông Warrick Cleine, Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia khẳng định, thị trường M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie nhận định, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang rất hấp dẫn. Việt Nam có nguồn lực dồi dào, đó là dân số đông, giới trung lưu tăng nhanh, đó là sự hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, có nhiều yếu tố “hậu thuẫn” cho khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài, từ đó hỗ trợ cho tiềm năng bật lại mạnh mẽ đối với thị trường Việt Nam trong năm 2022.
Đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, nhà làm chính sách đã có khả năng phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch, nổi bật trong quá trình đó là sự thúc đẩy xu hướng số hóa cả trong kinh doanh và lối sống.
Thứ hai là yếu tố pháp lý và môi trường sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Các FTA sẽ có hiệu lực tới đây và các thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giếng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tinh gọn hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.
Năm 2022 tới đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030. Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng…
Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế sớm bước vào quỹ đạo hồi phục vững chắc.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023”. Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...
Ở góc độ doanh nghiệp, sau hai năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành.
"Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường M&A diễn biến như thế nào trong đại dịch?
11:30, 12/12/2021
Siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Hoạt động M&A quỹ đất sẽ chậm lại
05:00, 09/12/2021
Doanh nghiệp nội nhập cuộc đua M&A bất động sản
14:46, 06/12/2021
Masan thêm thương vụ M&A mới: Mua lại Nhà khai thác mạng di động ảo
10:23, 21/09/2021
Sóng ngầm M&A khách sạn
17:00, 23/08/2021