Đầu tư công: Trợ lực cho ngành vật liệu xây dựng
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam được đánh giá là sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trong các gói kích thích kinh tế sắp tới.
>> Đầu tư công - “biến số quan trọng” của thị trường bất động sản 2022
Theo Báo cáo đầu tư mới đây, các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, Chính phủ đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công vào năm 2022 nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Dự kiến sẽ có 526 nghìn tỷ đồng giành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2022 (+10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021).
Do đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ vào các yêu tố sau: Thứ nhất, nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; Thứ hai, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới; Thứ ba, thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85 - 95% kế hoạch cả năm; Thứ tư, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc-Nam,… Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương chuyển toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam (giai đoạn 2) sang hình thức đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Về dài hạn, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ủy ban Nhân dân Hà Nội & TP.HCM, tổng mức đầu tư của các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam giai đoạn 2021-2027 lên tới 23,5 tỷ USD.
“Chúng tôi kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh từ cuối năm 2021 và trong suốt cả năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng trong năm 2022. Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ vào năm 2022”, VNDIRECT nhận định.
Đối với ngành vật liệu xây dựng, theo VNDIRECT, nhu cầu cao hơn bù đắp cho giá bán đầu ra giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam đạt lần lượt 1,6 -2,8 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 37% so với cùng kỳ.
Do đó, VNDIRECT cho rằng nhu cầu thép thế giới đã tăng đáng kể từ Q1/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tối thiểu đến hết nửa đầu năm 2022, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
>> Dự án đầu tư công ở Nghệ An vẫn tràn lan dang dở
Đáng chú ý vào ngày 15/11, gói đầu tư 1.200 tỷ USD dành cho cơ sở hạ tầng đã được Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ kể từ Đạo luật Đường cao tốc Viện trợ Liên bang năm 1956.
Trong đó, các dự án có nhu cầu huy động thép bao gồm 110 tỷ USD dành cho các dự án giao thông trọng điểm, 66 tỷ USD dành cho cho đường sắt, 39 tỷ USD dành cho cho phương tiện công cộng và 7,5 tỷ USD dành cho cho xe điện. Viện Sắt và Thép Hoa Kỳ ước tính cứ 100 tỷ USD đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng thì sẽ làm tăng nhu cầu thép trong nước lên 5 triệu tấn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10-15% so với cùng kỳ vào năm 2022. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ vào năm 2022.
Về giá thép, VNDIRECT cho rằng, giá thép thanh và HRC của Trung Quốc gần đây đã giảm mạnh lần lượt 25% và 28% so với vùng đỉnh hồi tháng 5 năm nay do chính phủ Trung Quốc nỗ lực kiểm soát giá thép trong nước bằng cách loại bỏ hoàn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thép và các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản. Tại thị trường EU-Mỹ, giá HRC cũng giảm lần lượt 23,5% -7,0% xuống 1.116 USD/tấn - 1.825 USD/tấn kể từ mức đỉnh vào cuối tháng 7/2021.
Theo báo cáo vào tháng 11/2021 của Fitch Solutions, tổ chức này dự báo giá thép toàn cầu sẽ giảm từ mức cao của hiện tại xuống mức trung bình 750 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023 - 2025 do nhu cầu thép cho ngành xây dựng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ suy yếu trong giai đoạn 2022 - 2025, thời điểm các dự án xây dựng hạ tầng giảm dần và rủi ro gia tăng trong ngành bất động sản của quốc gia này, điều này sẽ khiến giá thép trung bình toàn cầu giảm.
Theo diễn biến giá thép thế giới, VNDIRECT dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ đạt từ 13.600 đồng/kg – 14.300 đồng/kg vào năm 2022 – 2023, giảm lần lượt là 8% - 5% so với cùng kỳ.
Về ngành đá xây dựng, do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
"Chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp sở hữu những mỏ đá nằm gần các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm. Ước tính các dự án hạ tầng lớn ở phía Nam (gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Phan Thiết - Dầu Giây và LTIA) sẽ cần từ 30 - 32 triệu m3 đá xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2025, tương đương 150-160% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp", các chuyên gia của VNDIRECT nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư công - “biến số quan trọng” của thị trường bất động sản 2022
11:00, 28/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thi công ngày đêm, giải ngân tối đa đầu tư công
19:00, 15/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho Văn phòng Quốc hội
20:00, 08/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tạo đột phá cho đầu tư công
12:21, 05/12/2021
Tăng tốc đầu tư công
11:00, 01/12/2021