Đại biểu Quốc hội đề nghị tính lại suất đầu tư và tổng mức đầu tư
Kiểm toán Nhà nước tính toán tổng mức đầu tư 12 dự án giảm 16.330 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị ngành Giao thông tính toán lại suất đầu tư và tổng mức đầu tư.
>>Đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông: Cần sự chung tay của khu vực tư nhân
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ngày 10/1.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km cao tốc, suất đầu tư khoảng 201 tỷ đồng mỗi km (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng).
Băn khoăn về suất đầu tư
Trong khi đó, các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng mỗi km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo 122,6 tỷ đồng, Phan Thiết - Dầu Giây 125,7 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng tính toán tổng mức đầu tư 12 dự án giảm 16.330 tỷ đồng so với dự kiến của Chính phủ. Do đó, đại biểu Cường đề nghị ngành Giao thông tính toán lại suất đầu tư và tổng mức đầu tư. Đồng thời cần thiết kế lại và minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án, đặc biệt là khi chỉ định thầu.
Ngoài ra, dự kiến 72.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ được sử dụng để đầu tư vào dự án đường bộ cao tốc. Nhưng theo tiến độ dự kiến, trong năm 2022 - 2023, tổng giải ngân của dự án cao tốc chỉ khoảng 31.000 tỷ đồng, trong khi gói phục hồi kinh tế lại nhằm giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023.
“Phải chăng khi phân bổ 72.000 tỷ đồng vào dự án này, còn ít nhất là 40.000 tỷ sẽ không được giải ngân đúng theo mục tiêu của phục hồi kinh tế giai đoạn hai năm tới? Như vậy, việc sử dụng nguồn vốn phục hồi kinh tế 72.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc cũng phải tính toán lại", đại biểu Cường kiến nghị.
Vẫn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với 12 dự án thành phần triển khai theo phương thức đầu tư công, có 4 dự án vẫn có khả năng đầu tư PPP, với tỷ lệ đầu tư nhà nước có thể ở mức cao lên đến 54-65%.
Đối với đề nghị tách riêng gói giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng giúp cho toàn bộ mức đầu tư sẽ giảm đi, nhà nước sẽ đầu tư mặt bằng, đại biểu Cường cho rằng cơ chế này giúp phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều, không còn tình trạng phần đầu tư nhà nước vượt hơn 50%.
“Đồng thời, việc tách phần riêng giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, như việc huy động được các nguồn lực khi đấu giá nguồn lực như đất đai”, đại biểu Cường nói.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị tách giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập, giao địa phương thực hiện và quan tâm bố trí ngân sách đảm bảo cũng như cơ chế đặc thù, nhất là về mặt thủ tục để thực hiện.
Bộ sẽ thuê tư vấn xác định cụ thể
Đánh giá việc Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước, theo đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), trong thế khó hiện nay khi nhà đầu tư khó huy động vốn, dự án cần làm nhanh thì việc đầu tư công là có cơ sở.
Chính phủ có tính toán nhượng quyền thu phí sau này, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay. “Nhưng với điều kiện các dự án này khi chuyển nhượng phải thu phí không dừng”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng km hầm, cái cống, kể cả địa chất thủy văn, tính toán của tư vấn có căn cứ cơ sở.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, suất đầu tư do đơn vị tư vấn đưa ra là có căn cứ. Tuy nhiên, sắp tới ngành Giao thông sẽ thuê tư vấn, lập dự án, xác định cụ thể hướng tuyến từng công trình, rồi thiết kế kỹ thuật, khoan địa chất và các phần việc này sẽ đều được tính toán rất kỹ.
Sau khi phê duyệt thiết kế dự toán, các cơ quan mới chỉ định thầu hoặc đấu thầu. "Trong quá trình làm, chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất", ông Thể nói, đơn cử các tuyến kết nối hoặc cầu cạn, hầm chui sẽ được ngành Giao thông đặc biệt chú trọng, nhờ rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước.
Quá trình giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án cao tốc thực hiện một lần, theo quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Nghĩa là cơ quan chức năng sẽ thu hồi đất một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất này. Việc tổ chức tái định cư được Bộ tính toán đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn, tránh lãng phí và tăng suất đầu tư.
Có thể bạn quan tâm