Trục đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông nên là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, của vai trò dẫn dắt điều hành của Chính phủ và sự chung tay của khu vực tư nhân.
>>Một luật sửa 8 luật: Mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, ngày 10/1.
Đánh giá về tình cấp thiết việc đầu tư 12 dự án thành phần trên trục đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhất trí với lý do Chính phủ trình là xuất phát từ yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội.
Về mặt chính trị, việc xây dựng trục đường bộ cao tốc cũng có nghĩa như con đường thống nhất Bắc – Nam trong thời kỳ mới, góp phần gắn kết về chính trị, thu hẹp khoảng cách vùng miền và lan tỏa về kinh tế-xã hội. Về mặt kinh tế, khi xây dựng tuyến đường này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, phải thẳng thắn thừa nhận mặc dù trong những năm qua chúng ta đã có rất nhiều những nỗ lực để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng năng lực cạnh tranh trong tương lai chung của thế giới thì chưa cao theo xếp hạng của các tổ chức có uy tín trên thế giới. Một trong những điểm nghẽn chính, đó là yếu kém kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng.
Theo báo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào năm 2019 cho thấy, chỉ số chất lượng đường bộ và chỉ số kết nối giao thông đường bộ của Việt Nam lần lượt đứng thứ 103, 104/141 nền kinh tế được xếp hạng. “Đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Như vậy, theo chỉ số này Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 các nền kinh tế trên thế giới có chất lượng hạ tầng cơ sở về giao thông đường bộ kém nhất trên thế giới.
Cơ sở hạ tầng giao thông kém là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chi phí logistics của nền kinh tế rất cao, chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp 2 lần so với các nước đang phát triển, cao hơn so với mức bình quân toàn cầu đến 14%-15%. Đó là những chi phí rất lớn làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, thì phát triển hạ tầng cơ sở về giao thông, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông đường bộ là một trong những đột phá quan trọng cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đồng ý với đề xuất của Chính phủ về phương thức đầu tư thực hiện 12 dự án thành phần lần này bằng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta cần phục hồi kinh tế nhanh, nhưng đó là giải pháp “cực chẳng đã”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc và nhiều cử tri có chung một cảm giác “hụt hẫng và tiếc nuối”, vì đành rằng khi người dân và các doanh nghiệp tư nhân không làm thì nhà nước phải làm thì đó là điều hợp lẽ. Việc xây dựng một tuyến đường cao tốc có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, là rất cần thiết và nên là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, của vai trò dẫn dắt điều hành của Chính phủ và sự chung tay của khu vực tư nhân. Nhưng chúng ta đã chưa thực hiện được điều này.
>>Sửa đổi Luật Điện lực: Chưa phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đối tác công-tư chính là phương thức để chúng ta có thể thực hiện được công thức đó. Chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm thành công trong việc thực hiện đối tác công-tư.
Trong thời gian qua, Đảng đã có chủ trương về thúc đẩy đối tác công-tư, Quốc hội đã ban hành luật về đối tác công-tư vào năm 2020. Ngay sau khi Quốc hội ban hành luật đối tác công-tư thì lập tức 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án đối tác công-tư quay trở lại đầu tư công.
“Tôi cho rằng, đây là sự không thành công trong chính sách, lỗi này không phải do công thức đối tác công-tư, mà do cơ chế, chính sách thiết kế chưa đủ đế hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, và cũng chưa tìm được điểm hòa trong chính sách. Chính vì vậy chúng ta đã chưa thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Vẫn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, như chúng ta đã biết, trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, một mục tiêu quan trọng và là phương thức để thực hiện các mục tiêu khác chính là đối tác công-tư.
“Tôi đề nghị để tiếp tục thực hiện các dự án thành phần tiếp theo thì cần đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Để tiếp sức cho đầu tư tư nhân có thể tham gia, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư tư nhân vay nhằm xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, thay vì nhà nước tự mình phải đầu tư. Việc này chúng ta có thể thực hiện bằng cách chuyển một phần vốn đầu tư công sang để thực hiện quỹ này nhằm hỗ trợ cho đầu tư tư nhân.
Về vấn đề khai thác vận hành tuyến đường này, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, chúng ta kỳ vọng vào phương thức chuyển giao quyền thu hồi phí. Tuy nhiên, chất lượng công trình giao thông sẽ quyết định phương thức này có hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân hay không. “Do đó, phải rất quan tâm đến việc tổ chức thực thi và đòi hỏi chất lượng của dự án này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm