Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền

NGUYỄN VIỆT 10/01/2022 15:30

Dự thảo sửa đổi Luật Điện lực quy định chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. 

>>Quốc hội xem xét Chương trình phục hồi kinh tế

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu về sửa đổi Luật Điện lực tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, ngày 10/1.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết.

Tuy nhiên, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Dự thảo Luật quy định: “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng lưới điện truyền tải, Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng”.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), quy định như vậy là chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Do đó, đại biểu Mai đề nghị quy định cụ thể ba nội dung.

>>Chủ tịch Quốc hội: Phân bổ nguồn lực phải đúng, trúng, hiệu quả

Thứ nhất, cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và thuộc loại nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện. 

Thứ hai, cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư. 

Thứ ba, về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo luật thì sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành và việc này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau.

Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn hệ thống. Vì vậy, đại biểu Mai đề nghị cần cân nhắc, thận trọng để tránh gây ra hậu quả sau này.

Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương).

Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương).

Còn theo đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương), theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải hệ thống điện quốc gia. Sự độc quyền này dựa trên nhiều cơ sở, trong đó yếu tố quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn thông suốt của hệ thống truyền tải điện, mà sự an toàn đó tác động trực tiếp đến đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Đảng, việc từng bước xã hội hóa việc truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả hoạt động của truyền tải điện quốc gia.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng, việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần tính toán thận trọng, chắc chắn.

Theo quy định dự thảo Luật, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện chuyển tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi tình huống.

“Do đó, tôi đề nghị quy định này chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng”, đại biểu Khánh nói.

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình).

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình).

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, do những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, vì vậy cần báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân.

Cũng liên quan đến một số nội dung của Dự thảo Luật Điện lực, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, việc xây dựng hệ thống truyền tải cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân, đồng thời việc xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, việc lo ngại xã hội hóa, phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh.

Đại biểu Minh cho rằng, nếu Nhà nước quản lý vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Vì vậy, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của nhà nước, công đoạn nào là tư nhân được tham gia xã hội hóa, phải có quản lý rõ ràng, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống lưới điện quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội xem xét Chương trình phục hồi kinh tế

    10:30, 07/01/2022

  • Chính phủ báo cáo Quốc hội: Công ty Việt Á đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

    00:00, 06/01/2022

  • Chủ tịch Quốc hội: Phân bổ nguồn lực phải đúng, trúng, hiệu quả

    20:37, 04/01/2022

  • Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

    10:00, 04/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO