Xử lý những thách thức về quản lý đầu tư công

LINH NGA 03/02/2022 04:00

Triển khai cách tiếp cận có hệ thống hơn nhằm dự báo nhu cầu vốn tương lai cho các dự án hiện hành để dư địa tài khóa cho các dự án mới được dự báo chính xác hơn.

>>Đầu tư công – “vốn mồi” tăng trưởng

fd

Những hạn chế hiện nay trong hệ thống quản lý đầu tư công là do những vấn đề tồn tại dai dẳng về hiệu suất phân bổ và hoạt động thấp.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, những hạn chế hiện nay trong hệ thống quản lý đầu tư công là do những vấn đề tồn tại dai dẳng về hiệu suất phân bổ và hoạt động thấp, bất chấp việc sửa đổi Luật Đầu tư Công năm 2019.

Cụ thể, liên quan đến vấn đề về hiệu suất phân bổ thấp, hiện đang có sự lệch pha giữa phân bổ nguồn lực và kế hoạch phát triển. Điều này dẫn đến nguồn lực tài chính dành cho một số dự án quan trọng có tác động lan tỏa vùng miền bị hạn chế. Sự thiếu gắn kết giữa phân bổ ngân sách chi đầu tư và ngân sách chi thường xuyên cũng dẫn đến nguồn lực chưa được dành một cách đầy đủ cho nhu cầu vận hành và duy tu bảo dưỡng. Vấn đề về hiệu suất hoạt động kém trong sử dụng nguồn lực gây ra đội vốn, chậm tiến độ, thiết kế lạc hậu hoặc sai lệch so với tiêu chí kỹ thuật.

Ngoài ra, mức độ linh hoạt trong tái phân bổ vốn cũng có thể được cải thiện. Mặc dù các đơn vị dự toán được phép phân bổ lại vốn giữa các dự án nếu trong phạm vi dự toán được phê duyệt, nhưng nếu việc tái phân bổ vượt dự toán thì các cấp có thẩm quyền cần được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một quy trình, thủ tục dài dòng. Những vấn đề về hiệu suất nêu trên lại càng bị trầm trọng hơn do thủ tục phê duyệt theo nhiều bước và kéo dài (một số bước có thể được coi là dư thừa), mức độ minh bạch trong các thủ tục đấu thầu còn hạn chế, công tác giám sát còn hạn chế, và đánh giá chưa đồng bộ.

>>Lập quỹ phát triển hạ tầng, lấy đầu tư công “dắt” đầu tư tư nhân

Theo WB, chênh lệch lớn giữa thực hiện với dự toán chi đầu tư có thể thấy giữa các ngành và giữa các cấp. Tỷ lệ giải ngân thấp do một số yếu tố sau: Thủ tục, quy trình giải phóng mặt bằng và tái định cư kéo dài làm chậm quá trình chuẩn bị Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Một khi dự án đã được phê duyệt để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục dự án trung hạn bị chốt "cố định", và được phân bổ ngân sách hàng năm tùy theo mức độ sẵn sàng triển khai. Các cơ quan triển khai dự án cần trình kế hoạch công việc / kế hoạch giải ngân để làm cơ sở phân bổ dự toán hàng năm. Tuy nhiên, những kế hoạch đó thường chưa sát thực tế và không thể triển khai. Đề xuất dự án mới đòi hỏi phải điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, và lại phải qua quy trình phê duyệt một lần nữa.

Nhìn kỹ hơn vào sự thiếu gắn kết giữa phân bổ ngân sách đầu tư và ngân sách thường xuyên (duy tu bảo dưỡng), ta có thể thấy trong hầu hết các lĩnh vực, chi duy tu bảo dưỡng chưa được tính toán khi lập dự toán ngân sách cho các dự án. Hiện chưa có cách tiếp cận có hệ thống để đảm bảo nguồn lực cho duy tu bảo dưỡng, dẫn đến thiếu vốn duy tu thường xuyên và nhu cầu can thiệp định kỳ theo vụ việc để sửa chữa lớn qua ngân sách chi đầu tư.

Hệ thống ngân sách kép, trong đó Bộ Tài chính phụ trách chi thường xuyên còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách chi đầu tư, là một phần lý do dẫn đến thiếu gắn kết giữa ngân sách chi đầu tư và chi thường xuyên. Hệ thống ngân sách kép cũng được thể hiện ở cấp độ đơn vị chi và triển khai. Hiện chưa có hệ thống đăng ký tài sản cập nhật và toàn diện để nắm bắt cụ thể tình hình tài sản và công trình hạ tầng. Các nhà chính trị và cử tri đều ưu ái cho các dự án mới hơn là kéo dài vòng đời của công trình đang tồn tại thông qua chủ động duy tu bảo dưỡng.

Do đó, WB đề xuất các bước có thể thực hiện để xử lý những vấn đề trên: Xây dựng và áp dụng một hệ thống đăng ký tài sản toàn diện, liên bộ và cập nhật nhằm nắm bắt cụ thể tình hình tài sản và công trình hạ tầng.

Triển khai cách tiếp cận có hệ thống hơn nhằm dự báo nhu cầu vốn tương lai cho các dự án hiện hành để dư địa tài khóa cho các dự án mới được dự báo chính xác hơn.

Đảm bảo các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương dự án, và báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm dự toán kinh phí vận hành và duy tu bảo dưỡng trọn vòng đời và số liệu đó phải được cân nhắc khi quyết định đầu tư (nghĩa là được đưa vào ma trận thẩm định đề xuất) cả ở thời gian quyết định phân bổ vốn đầu tư cũng như phân bổ ngân sách chi thường xuyên khi hoạt động vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình dự án dự kiến sẽ được ngân sách đảm bảo.

Tinh giản các thủ tục phê duyệt theo các bước nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi bằng cách phân cấp thẩm quyền hoàn toàn cho các tỉnh.

Cải thiện quy trình giải phóng mặt bằng và cho phép linh hoạt hơn trong việc thêm / bớt dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư công – “vốn mồi” tăng trưởng

    Đầu tư công – “vốn mồi” tăng trưởng

    23:42, 31/01/2022

  • Thủ tướng thống nhất đầu tư công dự án đường vành đai 3 TP.HCM

    Thủ tướng thống nhất đầu tư công dự án đường vành đai 3 TP.HCM

    03:00, 25/01/2022

  • Đầu tư công: Trợ lực cho ngành vật liệu xây dựng

    Đầu tư công: Trợ lực cho ngành vật liệu xây dựng

    11:00, 29/12/2021

  • Đầu tư công - “biến số quan trọng” của thị trường bất động sản 2022

    Đầu tư công - “biến số quan trọng” của thị trường bất động sản 2022

    11:00, 28/12/2021

LINH NGA