Tái định vị nhờ “số” và “xanh”
Để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, cần thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số.
>>“Đòn bẩy” kinh tế số
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, tạo ra nhiều thách thức nhưng đi kèm với đó là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt. Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, cần thúc đẩy mô hình kinh tế tương lai hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số.
Xu hướng tiêu dùng mới
Trước tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Kịch bản kinh tế vĩ mô suy yếu, việc làm không ổn định và thu nhập hộ gia đình giảm sẽ khiến người tiêu dùng buộc phải đánh giá lại các giá trị và ưu tiên của họ cũng như nắm bắt thói quen tiêu dùng mới. Niềm tin của người tiêu dùng giảm đi cùng với tài chính không đầy đủ, dẫn đến việc phải tiết kiệm để chi tiêu cẩn thận hơn, dành riêng một khoản dự trù phát sinh cho những điều không lường trước được.
Có thể thấy, đại dịch đã thúc đẩy việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm sản phẩm y tế vì những mặt hàng này chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống trước thực trạng dịch bệnh đang ngày càng lan rộng với những biến thể nguy hiểm hơn.
Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách, hạn chế tiếp xúc... khiến việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ và giao hàng tại nơi người tiêu dùng thuận tiện nhận hàng giúp người tiêu dùng mua sản phẩm họ cần vào thời điểm họ muốn trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. “Tiện” đã trở thành một trong những tiêu chí tiêu dùng trong xã hội trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.
Đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi
Những xu hướng tiêu dùng mới đó buộc doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân. Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới:
Thứ nhất, phát triển thương mại điện tử.
Thứ hai, kinh doanh có ý thức. Thứ ba, ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong phân phối. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp buộc phải chú ý đến hoạt động kinh doanh thông minh và cần dựa trên các nền tảng thương mại điện tử và di động. Ở đó, doanh nghiệp phải triển khai được hệ thống quản trị quan hệ khách hàng, lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp, hay quản trị chuỗi cung ứng...
Theo Worldbank, tính bền vững là một yếu tố được người tiêu dùng hiện đại quan tâm khi mua sắm. 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng biến đổi khí hậu cũng quan trọng như COVID và họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các “không ảnh hưởng môi trường”.
>>Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông thủy sản trong nền kinh tế số
Người tiêu dùng thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất – kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp của Việt Nam muốn phát triển bền vững phải gắn với chủ trương phát triển xanh. Nếu các doanh nghiệp làm được điều này, việc tăng trưởng GDP 6,5%-7 %/năm có thể sẽ đạt được như kỳ vọng. Nhưng nếu chúng ta không phát triển xanh mà phát triển nhanh ở mức cao hơn nhưng rồi sau đó nảy sinh những vấn đề về môi trường, vấn đề về xã hội và phải quay trở lại để sửa chữa sẽ là bài toán rất tổn phí làm ảnh hưởng rất lớn theo lộ trình Việt Nam đang hướng tới trong tương lai.
Cơ hội để Việt Nam tạo sự khác biệt
Nhắc lại kết quả được đánh giá là “bước tiến đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Vương quốc Anh vừa qua, GS. Peter Draper, Trưởng Khoa Kinh tế và Chính sách công, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Adelaide (Australia) cho biết, EU đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để đáp ứng chứng chỉ về chỉ tiêu cacbon, nhất là với các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU.
Rõ ràng, chiến lược thương mại mới của EU đã có nhiều điểm mới quan trọng, tự chủ chiến lược mở với mục tiêu xanh hóa và số hóa hướng tới công bằng, bền vững. Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA mang đến nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong điều kiện EU áp dụng chiến lược thương mại mới.Mặc dù Việt Nam đang còn vướng phải nhiều vấn đề khó khăn để đáp ứng các quy định của EU như các biện pháp phi thuế quan, các quy định về phòng vệ thương mại, các vấn đề phát triển bền vững, lao động…, song Việt Nam cũng đang có nhiều thời cơ để chứng minh và tạo sự khác biệt với các nền kinh tế sản xuất gia công khác, đáp ứng tiêu chuẩn mới của EU, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới xanh, sạch, hiện đại.
Chỉ một ví dụ trên cũng cho chúng ta thấy, phát triển chuỗi giá trị xanh và bền vững, không chỉ tập trung vào các sản phẩm cuối cùng xanh để đáp ứng các tiêu chí quan trọng (minh bạch, trách nhiệm với môi trường thành mô hình cạnh tranh, mở rộng các sáng kiến từ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô đến hậu cần cuối cùng…); phát triển công nghiệp hỗ trợ mà trong đó, nguyên liệu đầu vào phải xanh từ phân bón, linh kiện...
Bên cạnh đó, cũng cần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về thương mại điện tử và kinh tế số để đảm bảo cân bằng cho sự phát triển vĩ mô cũng như hoàn thiện chính sách, thể chế trong phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 02/NQ-CP: Kỳ vọng nền kinh tế sớm hồi phục, phát triển!
01:14, 18/01/2022
Doanh nghiệp kỳ vọng gói phục hồi kinh tế sớm triển khai
11:08, 15/01/2022
Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên thương mại điện tử - kinh tế số
05:38, 03/01/2022
Điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế số
11:15, 29/12/2021