TP.HCM: Hơn 16 tỷ USD đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, TP.HCM đã trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với hơn 430 triệu USD và 31 bản ghi nhớ đầu tư với gần 16,2 tỷ USD.
>>>3 nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội của TP.HCM phục hồi mạnh mẽ
Cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, TP.HCM trải qua một năm 2021 đầy cam go và thử thách chưa từng có. TPHCM có được sự bình yên như hôm nay là nhờ sự đoàn kết, chung sức, trên dưới một lòng, “nhất hô bá ứng”, cả nước vì thành phố, doanh nghiệp vì cộng đồng.
TP.HCM đã từng chứng kiến hơn 150 ngày ròng rã ứng phó với đại dịch COVID-19 với biến chủng Delta khi chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị và có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Trong lúc khó khăn đó, TP.HCM thấy rõ tinh thần dũng cảm, sẵn sàng xả thân, ý chí kiên cường, sức chịu đựng phi thường của người dân, của doanh nghiệp, các lực lượng tuyến đầu.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, TP.HCM đã chứng kiến sự “vùng dậy” mãnh liệt, trong đó người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã làm nên những điều hết sức kỳ diệu dù trên mình còn đang nhiều "thương tích".
“Điều đó cho thấy rõ sức mạnh phi thường, độ lớn của ý chí và khát vọng, nỗ lực "biến đau thương thành hành động", mang lại những kết quả rất đáng trân trọng trong phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. TP.HCM đã có lúc chấp nhận tăng trưởng âm hơn 6% cuối năm 2021, một con số chưa từng có trong lịch sử của TP.HCM. Đến hôm nay, TP.HCM đã đạt tăng trưởng dương gần 2% trong quý I/2022, cùng với một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt và vượt”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đánh giá, hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện lần này có 3 ý nghĩa quan trọng. Đó là thực hiện kế hoạch hành động của Thành phố; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri Thành phố và hai huyện trước khi ứng cử; tạo cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế Thành phố.
“Thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn. Thành phố sẽ nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn, không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cam kết.
Phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù TP.HCM phát triển năng động, đóng góp 1/3 ngân sách cả nước nhưng hai huyện vẫn phát triển ở mức thấp. Ví dụ huyện Củ Chi thu ngân sách chỉ trên 1.000 tỉ, trong khi cũng quy mô dân số ấy, TP Đà Nẵng thu hàng chục ngàn tỷ mỗi năm.
Theo Chủ tịch nước, phát triển Hóc Môn và Củ Chi cũng là giúp Thành phố giải bài toán mở rộng không gian phát triển cân bằng, thu hút nguồn lực, nhất là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Qua đó, giải tỏa những áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm; mở rộng không gian sinh tồn, phát triển khi "chiếc áo TP.HCM đã quá chật chội".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị hôm nay không phải làm một lần, kết thúc trong một ngày mà Thành phố sẽ theo dõi việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư, của huyện Củ Chi và Hóc Môn. Chủ tịch nước cũng phải có trách nhiệm giải trình những kết quả đạt được trong việc xúc tiến đầu tư với cử tri hai huyện. Do đó, mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thật việc thật.
"Nguyên tắc xuyên suốt của phát triển Củ Chi, Hóc Môn phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững. Xúc tiến đầu tư Củ Chi, Hóc Môn không phải là mâm cổ mới để các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
>>>TP.HCM: Nhiều giải pháp cụ thể phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng
Nhiều dự án lớn đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã nêu nhiều ý kiến, hiến kế về các dự án đầu tư vào 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, AEON dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Theo đó, AEON mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư, nâng tầm phong cách sống và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách địa phương.
Tượng tự, ông Lee Chong Min - Chủ tịch Quỹ đầu tư CMIA Capital Partner và Surbana Jurong cho biết, trên địa bàn xã Trung An, huyện Củ Chi sẽ được đầu tư dự án “Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao”. Đây là dự án đã được đơn vị nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích hơn 1.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD.
Mục tiêu của dự án là hình thành một khu Đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300ha); khu logistic, kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp - thực phẩm khép kín; Khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đáp ứng mức dân số 100.000 người là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng.
Theo ông Lee Chong Min, với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, chắc chắn dự án này sẽ mang lại động lực phát triển cho TP.HCM và huyện Củ Chi, đặc biệt là giai đoạn sau đại dịch COVID-19, đồng thời là dự án khởi đầu cho Đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam.
“Đây là dự án lớn, có tính chất lâu dài và việc hoàn vốn chỉ đạt được sau năm thứ 7 trở đi với điều kiện dự án không chậm trễ. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn TP.HCM hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, nhất là việc đền bù, tái định cư”, Ông Lee Chong Min đề xuất.
Ông Phạm Thiết Hòa - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) đề xuất thêm, TPHCM xem xét mở rộng nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao hơn, mở rộng khu chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất giống ra hoa ngắn. Bởi vì, việc này không cần diện tích lớn nhưng có thể tạo ra vài chục tỷ đồng/ha.
Theo đó, Sagri sẽ ký kết với các nhà đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là phát triển hệ thống giết mổ, chế biến gia súc - gia cầm ứng dụng công nghệ cao hiện đại, góp phần sản xuất, chế biến thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là một nội dung chiến lược Sagri xác định phát triển bền vững và cũng góp phần cung ứng thực phẩm an toàn hướng tới xuất khẩu.
Tại hội nghị, TP.HCM trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với hơn 430 triệu USD và 31 bản ghi nhớ đầu tư với 16,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã vận động các doanh nghiệp và nhà đầu tư ủng hộ 1.000 căn nhà cho gia đình chính sách và người nghèo tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Có thể bạn quan tâm
BIDV phối hợp thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM
10:06, 12/04/2022
TP.HCM: Quyết định chi 24.000 tỉ đồng để triển khai đường vành đai 3
05:51, 08/04/2022
TP. Thủ Đức: Khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM
14:25, 06/04/2022
3 nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội của TP.HCM phục hồi mạnh mẽ
21:47, 05/04/2022
TP.HCM: Nhiều giải pháp cụ thể phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng
20:04, 05/04/2022
TP.HCM: Phấn đấu 100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử trước 30/6!
05:00, 02/04/2022