Chặn dòng tiền hàng trăm nghìn tỷ từ trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa công bố danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng số nợ vay hơn 100.000 tỷ đồng.
>>> Khúc quanh mới của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ TPDN nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua, có nhiều "ông lớn" như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.... Nhóm doanh nghiệp này trong năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỉ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.
Tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn khác như: Công ty CP đầu tư Golden Hill (gần 5.800 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An (5.000 tỷ đồng), Công ty CP thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc VH (4.000 tỷ đồng); Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương; Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đô thị Minh Tân; Công ty TNHH đầu tư Big Gain; Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng; Công ty cổ phần Tập đoàn R&H; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Residence...
Có thể bạn quan tâm |
Theo Bộ Tài chính, để chào mời, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.
Cụ thể: Nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn TPCP hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2-4 ngày.
Hai là nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn.
Ba là cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.
Đáng chú ý, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Bên cạnh đó, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai TPDN phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếuđược chào bán là trái phiếu có lãi suất cao (11%-12%/năm), thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp hoặc do doanh nghiệp có liên quan chào bán lại trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN. Định hướng chung là sẽ bổ sung các quy định mới để bảo đảm thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững.
"Chẳng hạn, nghị định sửa đổi sẽ bổ sung các giải pháp kỹ thuật để khắc phục những tồn tại trong công bố thông tin của DN trước khi phát hành trái phiếu nhằm tăng tính minh bạch của thị trường", ông Chi khẳng định.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ không được phát hành TPDN có giá trị quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Nếu phát hành vượt trên 1 lần vốn chủ sở hữu, phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.
Nghiêm cấm việc phát hành TPDN để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phát hành để đầu tư vào công ty con. Doanh nghiệp phát hành TPDN phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu có vi phạm pháp luật và vi phạm quy định về phát hành trái phiếu.
Theo ông Chi, Chính phủ cũng sẽ quy định rõ tài sản bảo đảm của TPDN phải được định giá và đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm, chào bán cho nhà đầu tư cá nhân phải có đại diện chủ sở hữu trái phiếu.
Hạn chế nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN riêng lẻ của các công ty đại chúng hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Và tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc rà soát điều kiện phát hành.
Có thể bạn quan tâm
Thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng
04:00, 31/05/2022
Vì sao Gelex vội vã mua lại trái phiếu chưa đến hạn?
05:30, 30/05/2022
Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp
03:50, 28/05/2022
Trái phiếu bất động sản (kỳ cuối): Chính sách nào để phát triển thị trường hiệu quả, bền vững?
15:30, 27/05/2022