Long đong dự án tháp ven sông Đà Nẵng
Từng gây lo ngại không ít về áp lực lên hạ tầng, The Royal Đà Nẵng - sau một thời gian “trùm mềm, đắp chiếu” lại một lần nữa đổi chủ khi Danh Khôi Holdings chuyển nhượng dự án.
>>Áp lực tài chính đè nặng doanh nghiệp bất động sản
Đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khi đó là ông Huỳnh Đức Thơ ký Quyết định số 33/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Tháp ven sông” được lập bởi công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier. Theo đó, dự án nói trên thuộc khu dân cư nhà ở, khách sạn, căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ 2 tháng 9, quận Hải Châu với quy mô 288 căn hộ chung cư với 864 người; 125 phòng khách sạn với tổng số người là 250 người…
Gây nhiều lo ngại
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi đó nhiều ý kiến bày tỏ sự việc UBND TP Đà Nẵng cho phép các dự án triển khai sẽ càng gia tăng áp lực giao thông với hai nút phía Tây cầu Rồng đang ùn tắc cục bộ nghiêm trọng.
Cụ thể, theo các chuyên gia, với hiện trạng của quận Hải Châu, TP Đà Nẵng không nên tiếp tục cấp phép xây dựng nhà cao tầng. Vì theo thống kê, hiện nay, mật độ dân số của quận Hải Châu và Thanh Khê đã vượt quá “sức chịu đựng” của hạ tầng giao thông cũng như các tiêu chuẩn khác.
“Tôi lấy ví dụ, với tình trạng nạn kẹt xe, tắt đường, tranh chấp chỗ đậu xe, ngập lụt,… ở quận Hải Châu như hiện nay thì việc cho xây nhà cao tầng và kéo theo đó là khoảng 1.000 người đến ở sẽ làm cho tình trạng ngày càng nghiệm trọng. Trường học đâu, công viên đâu, cây xanh đâu,… để có thể đáp ứng 1.000 người phát sinh từ dự án này? Tức là gây ra sự náo loạn, mất cân bằng tại quận Hải Châu nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung”, một chuyên gia chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Danh nghiệp đầu năm 2019.
Vị chuyên gia trên cũng cho hay, hiện Đà Nẵng đang phải đau đầu đối diện với những tồn tại, bất cập trong đô thị. Đó là hậu quả của sai lầm trong quy hoạch bởi trước đây Đà Nẵng chỉ chú trọng quy hoạch phân lô bán nền mà không chú trọng đến quy hoạch đô thị.
“Quy hoạch đô thị khác với quy hoạch phân lô bán nền. Quy hoạch phân lô bán nền là anh cứ vẽ con đường, rồi chia lô ra để bán mà không quan tâm đến những nhu cầu của cuộc sống như ăn ở, vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe, công viên, người già có chỗ tập thể dục của người già, người trả có chỗ vui chơi của người trẻ,…”, ông nhấn mạnh.
Những lần đổi chủ
Như đã nói ở trên, những tưởng ngay khi hoàn thành các thủ tục, Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier (Sun Frontier) từ nhà đầu tư Nhật Bản sẽ triển khai thực hiện dự án đã được phê duyệt thì bất ngờ, tháng 7/2020, CTCP Tập đoàn Danh Khôi gây xôn xao thị trường bất động sản Đà Nẵng khi thâu tóm 100% cổ phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier – chủ đầu tư dự án nói trên và đổi tên thành The Royal – Boutique & Condo Da Nang (The Royal Da Nang). Doanh nghiệp dự án cũng được đổi tên thành Công ty TNHH MTV The Royal Đà Nẵng.
Giới thiệu về dự án này, Danh Khôi quảng bá The Royal Da Nang là tòa tháp căn hộ có thiết kế mang tính biểu tượng, cao 29 tầng trên quỹ đất rộng 3.125,3 m2, giới thiệu ra thị trường số lượng sản phẩm giới hạn với 286 căn hộ cao cấp theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao và 125 căn hộ khách sạn. Tại đây, các chủ nhân sẽ được trải nghiệm cuộc sống xa hoa đích thực với hệ thống tiện ích gồm hồ bơi rooftop The Panorama rộng 280m2, nhà hàng The Broadway, sân golf ảo, Game center, Kidzone… cùng các tầng khách sạn 5 sao được quản lý và vận hành bởi thương hiệu Best Western Hotels & Resorts danh tiếng.
Tham gia kiến tạo công trình là Kume Design Asia, một thành viên của Tập đoàn Kume Sekkei - thương hiệu hàng đầu Nhật Bản về thiết kế quy hoạch, thiết kế kiến trúc và thiết kế kỹ thuật công trình. Với sự tham gia của Kume, tòa tháp bên sông Hàn hứa hẹn càng trở nên bề thế, sang trọng, tôn thêm vẻ đẹp của cung đường đắt giá bậc nhất của Đà thành.
Tuy nhiên, sau một thời gian thi công rầm rộ thì dự án rơi vào tình cảnh “trùm mềm, đắp chiếu”. Liên quan đến dự án này, một nguồn tin đáng tin cậy xác nhận The Royal Da Nang đã được bán cho Thaiholdings và mới đây nhất, vào sáng ngày 20/9, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons (Newtecons) đã tổ chức Lễ khởi động dự án nói trên với sự tham gia của chủ đầu tư Công ty TNHH MTV The Royal Đà Nẵng, đại diện Newtecons, đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cùng các nhà thầu phụ, nhà cung cấp.
“Đứng tại đây hôm nay, chúng ta nhìn về phía trước sẽ thấy The Riverside Đà Nẵng, Novotel; nhìn về phía sau thấy Mercure; nhìn qua bên kia sông thấy Vinpearl, Park Hyatt, Nam Hải,… những kiệt tác có dấu ấn của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương. Và tôi tin chắc rằng 14 tháng sau, chúng ta sẽ có một kiệt tác mới mang tên The Royal Da Nang”, ông Lê Đức Bửu - Giám đốc Điều hành Newtecons phát biểu tại buổi lễ.
Bình luận về thương vụ này nói riêng và các thương vụ M&A nói chung, một chuyên gia bất động sản (đề nghị không nêu tên) cho rằng chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho dự án bởi theo thống kê, khoảng 70% dự án sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sau khi đổi chủ.
Tuy nhiên, kỳ vọng vẫn là kỳ vọng. Trên thực tế, việc thay chủ mới chưa chắc đã mang lại cái mới cho dự án bởi chỉ những nhà đầu tư đủ tiềm lực mới có khả năng triển khai dự án do không dễ “móc túi” từ khách hàng như trước đây thông qua việc huy động vốn.
Và thực tế, tại Đà Nẵng, có nhiều dự án dù đã rất nhiều lần sang tên, đổi chủ nhưng vẫn lại tiếp tục rơi vào tình cảnh đắp chiếu, thậm chí đối diện kiện tụng, có thể kể ra hàng loạt cái tên như siêu dự án lấn biển The Sunrise Bay, dự án The Song,…
Có thể bạn quan tâm