Hành lang pháp lý cho không gian ngầm: Muộn còn hơn không
Tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” kéo theo nhiều hệ lụy đòi hỏi việc phát triển đô thị cần hướng tới một giải pháp bền vững, đó là khai thác không gian ngầm.
>>> Khai mở không gian ngầm đô thị
Trong khi quỹ đất xây dựng đô thị ngày càng cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. Để đáp ứng các nhu cầu thì đô thị phải tận dụng cả về chiều cao lẫn chiều sâu của không gian đô thị.
Muộn còn hơn không
Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, việc khai thác không gian ngầm làm trung tâm thương mại, giao thông… sẽ giải quyết nhiều vấn đề khi hạ tầng đô thị nổi trở nên quá tải. Những đô thị nén như Hồng Kông, Macao, New York hay Singapore… đang ngày càng phát triển nhờ sự vận động mạnh mẽ bên trong.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, công cuộc ngầm hóa của nước ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Việc hình thành các trung tâm thương mại dưới lòng đất như tại Times City hay Royal City (tại Hà Nội) có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận, nhưng với việc thiếu quy hoạch tổng thể và số lượng còn ít, khiến các trung tâm thương mại ngầm này thu hút quá đông người sử dụng dịch vụ, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực xung quanh.
Sâu xa hơn nữa, việc xây dựng không gian ngầm đơn lẻ, thiếu tầm nhìn dài hạn, dẫn đến nguy cơ tài nguyên đất ngầm bị sử dụng lãng phí.
Xu hướng đô thị hóa kéo theo nhiều hệ lụy, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Khi không gian trên mặt đất đã quá ngột ngạt thì diện tích không gian ngầm dưới lòng đất tại các đô thị lại còn nhiều “khoảng trắng”, rất lãng phí, hoặc không phát huy hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm |
Trước bất cập trên, KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Hiện tại việc phát triển không gian ngầm đã là muộn chứ không còn sớm. Nếu không tiếp tục triển khai thì sau này việc triển khai lại càng khó khăn. Khi mà tất cả những gì chúng ta triển khai trước đó đều chưa có quy hoạch cụ thể, có thể chồng chéo nhau nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bước tiếp theo khi triển khai tiếp các công trình ngầm khác”.
Thực tế từ năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đầu năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này. Cùng thời điểm, TP đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về không gian ngầm cũng như khảo sát điều tra về hệ thống công trình ngầm hiện trạng.
Nhưng cho đến tháng 3/2022, Đồ án quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện mới được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt. Trong đó, xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe...
Việc “chốt” đồ án quy hoạch không gian xây dựng ngầm được kỳ vọng trở thành bước tiến quan trọng trong phát triển đô thị, giải quyết những bất cập nhức nhối trong quá trình đô thị hóa ở nước ta những năm gần đây.
Cần gỡ “nút thắt” pháp lý
Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, khi quy hoạch ngầm được cụ thể hóa đúng cách, những công trình ngầm được kết nối, đồng bộ sẽ tạo nên một hệ thống không gian ngầm mang lại giá trị thặng dư cho đô thị.
“Tóm lại, nếu chúng ta tạo ra một không gian ngầm, tích hợp nhiều chức năng và nhượng quyền thương mại cho nhiều nhà đầu tư khai thác, thì số tiền thu về và chi phí bỏ ra ban đầu sẽ bằng nhau, thậm chí sinh lời. Đó chính là giá trị gia tăng của không gian ngầm, đồng thời là mô hình quy hoạch tích hợp đa ngành, đa mục tiêu mà Hà Nội hướng đến trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới”, ông Ánh nhìn nhận.
Hiện nay nước ta chưa có hệ thống luật quy định chi tiết về không gian ngầm.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển không gian ngầm, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, năng lực lập quy hoạch, trình độ kỹ thuật… và quan trọng nhất, theo ông Ánh là hệ thống pháp lý. Hiện nay nước ta chưa có hệ thống luật quy định chi tiết về không gian ngầm.
Trước bất cập trên, KTS Trương Văn Quảng cho rằng, hệ thống cơ sở pháp luật của nước ta vẫn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh để giải quyết được vấn đề liên quan đến vai trò, lợi thế của các không gian ngầm của đô thị.
Đồng thời, các không gian ngầm phải gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ còn thiếu, góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị.
Khi “nút thắt” pháp lý được tháo gỡ, sẽ mở ra tương lai đô thị được ngầm hóa một cách hoàn chỉnh và hiện đại hơn. Khi đó, người dân có thể đi mua sắm ở trung tâm thương mại ngầm, di chuyển bằng tàu điện ngầm, gửi xe ở bãi xe ngầm… mà không phải lo ùn tắc.
Đó là trách nhiệm của những người làm quy hoạch và quản lý đô thị, hướng đến mục tiêu chung phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm