Rành mạch đất “công” và “tư”

GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT 08/05/2022 05:00

Khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất chưa trở thành nội lực quan trọng, còn lãng phí, tham nhũng liên quan đến đất gia tăng.

 Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi, thậm chí đi tù cũng vì đất....”.

>>> Kỳ vọng giải quyết bất cập Luật Đất đai

Thực tế, các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, xử lý khó khăn hơn và thiệt hại lớn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là người dân không thể thực hiện quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng.

Cần định nghĩa rõ ràng

Các vụ tham nhũng về đất đai thường có giá trị lớn và được tính toán thông qua quy trình định giá đất, cụ thể định giá đất lúc giao đất, cho thuê đất rất thấp, nhưng khi định giá lại theo giá trị thị trường lại rất cao. Điều này có nghĩa là định giá đất đang có vấn đề lớn, cần xem xét và đổi mới.

Trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, mọi thửa đất đều là “đất công”, nhưng sự khác nhau ở đây là ai sử dụng, hay nói rõ hơn, sự phân biệt “công” và “tư” ở đây không gắn với quyền sở hữu đất mà phải là “sử dụng đất vào mục đích tư hay công”. Sự không mạch lạc về “sử dụng đất công” hay “sử dụng đất tư” chính là nội dung trọng tâm của tham nhũng đất đai.

Ở các nước khác, phân biệt “đất công” và “đất tư” khá dễ dàng vì họ dựa vào quyền sở hữu. Bên cạnh đó, họ quản lý “đất công” và “đất tư” bằng các thể chế rất khác nhau. “Đất công” được quản lý theo ranh giới rõ ràng trên bản đồ địa chính nhằm tránh lấn chiếm và chuyển “đất công” thành “đất tư” phải thông qua quy trình đấu giá đất minh bạch. “Đất tư” cũng được xác định rõ trên bản đồ địa chính và được bảo đảm pháp lý bằng một giấy chứng nhận. “Đất tư” bị Nhà nước thu hồi làm việc khác được gọi là quốc hữu hóa đất đó.

Để kiểm soát chặt ranh giới giữa “đất công” và “đất tư” ở Việt Nam theo hướng kiểm soát tham nhũng thì cũng cần có định nghĩa pháp lý rõ ràng.

p/Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm phù hợp với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, có thể định nghĩa “đất sử dụng vào mục đích tư” là đất do các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng, Nhà nước giao đất, Nhà nước cho thuê đất.

“Đất thuộc phạm vi công” là đất không sử dụng vào mục đích tư, bao gồm đất giao cho các cơ quan nhà nước, cộng đồng dân cư sử dụng hoặc quản lý; đất chưa sử dụng và đất Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.

Sự phân biệt rành mạch giữa “công” và “tư” như vậy sẽ tạo nên minh bạch trong quản lý và sử dụng đất, đồng thời dễ dàng phát hiện tham nhũng đất công.

Quản lý hai chiều

Những hành vi tham nhũng trong thực thi pháp luật, chính sách đất đai thường là: Chuyển đất đai là tài nguyên, quyền sử dụng đất là tài sản công thành đất đai có quyền sử dụng đất là tài sản tư nhân thông qua việc thu hồi đất (diện tích đất thu hồi nhiều hơn quy hoạch, thu hồi đất không đúng quy định); giao đất và cho thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường; xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường trong cổ phần hóa DNNN; gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai...

Trên thế giới đã có nghiên cứu kỹ lưỡng và hình thành một lý thuyết riêng về quản trị đất đai. Theo truyền thống, đất đai được quản lý theo chiều từ trên xuống dựa trên thẩm quyền của cơ quan quản lý tác động vào những người sử dụng đất thông qua các quyết định quản lý.

Để quản lý đạt hiệu quả cao, bảo đảm công bằng xã hội, không gây xung đột lợi ích, cần có người dân tham gia vào quản lý từ dưới lên, với vai trò phản biện, giám sát. Để người dân tham gia vào quản lý, cần có điều kiện cần là mọi thông tin quản lý phải công khai, minh bạch và điều kiện đủ là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước các ý kiến giám sát của dân.

Một hệ thống quản trị tốt phải có 3 yếu tố: Một là công khai, minh bạch thông tin; hai là cho phép và khuyến khích người dân và các tổ chức đại diện của họ tham gia vào góp ý kiến quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật và ba là quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan trước các ý kiến giám sát.

Về bản chất, hệ thống quản trị tốt cũng là một cách thức hiệu quả nhằm kiểm soát thực thi quyền lực của các cơ quan quản lý của Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII: Kỳ vọng giải quyết bất cập Luật Đất đai

    HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII: Kỳ vọng giải quyết bất cập Luật Đất đai

    11:16, 04/05/2022

  • HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII: Còn có nhiều ý kiến về pháp luật đất đai

    HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII: Còn có nhiều ý kiến về pháp luật đất đai

    17:51, 04/05/2022

  • Đừng để Luật Đất đai cản trở kinh tế thị trường

    Đừng để Luật Đất đai cản trở kinh tế thị trường

    06:25, 23/04/2022

GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT