Dự án sửa đổi Luật Đất đai lần này đã được Thủ tướng Chính phủ 4 lần cho ý kiến kể từ năm 2016 tới nay, thế nhưng mọi ách tắc vẫn chưa được sửa.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường về vấn đề này.
>>> Luật Đất đai tiếp tục lỡ hẹn: Những kiến nghị sửa đổi
- Như vậy đây là lần thứ 4 dự án sửa đổi Luật đất đai bị lùi, điều này sẽ tác động ra sao thưa ông?
Thực tế, dự án này có thể được xem như việc ban hành một Luật đất đai mới, là nền tảng pháp luật để thực hiện hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do đó, việc ban hành luật mới này là mục tiêu lớn để đẩy Việt Nam lên một tầm cao mới. Theo đó, cần một hệ thống Luật Đất đai phù hợp, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu dài ngày.
Việc thận trọng, xem xét kỹ có thể hiểu được bởi việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ phải xử lý được những những tồn tại hiện hữu liên quan đến đất đai trong một loạt Luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản; Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch… và việc lùi này là hợp lý.
- Tuy nhiên, thực tế các chồng chéo trong Luật Đất đai cũng đã khiến nhiều dự án bị ách tắc. Việc lùi sửa đổi Luật Đất đai có khiến tình trạng này sẽ kéo dài thêm, thưa ông?
Đây là 2 câu chuyện khác nhau giữa “sửa đổi Luật Đất đai và sửa đổi một số điều của Luật Đất đai” vốn bị nhầm lẫn, dẫn đến pháp luật có sự chậm trễ như hiện nay.
Ra đời gần 10 năm, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ rất nhiều những bất cập, mà trong đó, vấn đề nổi bật nhất chính là lệch pha cung cầu nhà ở, nguồn cung bị ách tắc, nhà đầu tư bị “mắc kẹt” trong thủ tục đầu tư khiến các dự án không thể khởi động.
Nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền vào dự án rồi nhưng không thể thực hiện được do luật pháp thiếu đồng bộ, chồng chéo, chính quyền không dám phê duyệt. Mặt khác, mới đây, Luật Đầu tư sửa đổi đã được thông qua, Luật sửa đổi 9 luật cũng được ban hành nhưng trong đó lại không sửa đổi các vấn đề về đất đai.
Điều đó cũng đặt ra yêu cầu trong ngắn hạn, chúng ta cần gấp một Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai để tháo gỡ những ách tắc trước mắt. Các địa phương đã tiến hành rà soát nguyên nhân gây ách tắc các dự án nhà ở, đây chính là các căn cứ để ban hành luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, tháo gỡ các nút thắt để khơi thông dòng chảy dự án, cấp thiết khắc phục tình trạng thiếu cung hiện nay.
Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi một số vấn đề về quy hoạch sử dụng đất vẫn còn bất cập, không để Luật Đất đai làm trở ngại cho nền kinh tế thị trường.
- Vậy Luật Đất đai sửa đổi mới cần chú trọng những vấn đề gì thưa ông?
Pháp luật đất đai mới phải là hạ tầng luật pháp để đưa Việt Nam tiến lên thành một nước phát triển. Chính vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi phải mang tính trí tuệ, bao quát để chở được những chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Luật Đất đai sửa đổi cần có sự nghiên cứu, sự tham gia của rất nhiều bên, đại diện của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia...để chúng ta có một quan điểm thống nhất, các giải pháp luật pháp, để có luật đất đai sửa đổi thật sự hiệu quả, đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!
PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường. Do đó, lùi thời gian sửa đổi là hợp lý. Tuy nhiên, trong thời gian chờ sửa luật, Chính phủ cần ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy định về bồi thường, GPMB đối với các dự án. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest: Theo thống kê, hiện có 12 Luật tác động trực tiếp vào thị trường bất động sản, kèm theo đó còn có 60 Luật khác liên quan tới thị trường này. Do đó, để tháo gỡ các nút thắt cần phải tìm ra giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn nhất, chính là phải sửa được Luật Đất đai, lấy Luật Đất đai và Luật Đầu tư làm luật cơ sở để xây dựng các luật nền. Có thể bạn quan tâm |