Cảnh báo FDI giữ đất “chờ thời”
Việc trải thảm đỏ mời gọi đầu tư thiếu chọn lọc sẽ tiếp tục gây nên những hệ lụy tiêu cực, những khoảng tối để một số đơn vị lợi dụng "ôm đất chờ thời".
Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các dự án có vốn FDI trên địa bàn. Các kết quả rà soát được đề nghị gửi về Bộ KH&ĐT trước ngày 30/6/2022.
Đất đai là “của để dành”
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt với lĩnh vực bất động sản, ngay trong đại dịch, số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy trong năm 2021, kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%).
Ngành này đã vươn lên vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI trong hai tháng đầu năm với gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có thể bạn quan tâm |
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cảnh báo, doanh nghiệp có xu hướng thổi phồng khoản vốn đầu tư, vì sẽ được ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh hơn và được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó có việc được bố trí diện tích đất lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Phần đất đai dôi dư sẽ trở thành một thứ “của để dành”.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV, nhiều ông lớn địa ốc cũng xuất hiện tình trạng “ôm đất chờ thời”. Tại Hà Nội, điển hình lớn nhất là siêu dự án Booyoung Vina trên đất vàng quận Hà Đông. Có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD. Cùng với đó là một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc với dự án phía Tây Nam Thủ đô được khởi công từ năm 2007, đến nay vẫn để hoang 4 ô đất.
Hay tại TPHCM, Dự án Trung tâm tài chính Berjara Việt Nam của chủ đầu tư Tập đoàn Berjara (Malaysia) án binh bất động tròn 10 năm. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án Saigon Atlantic 4,1 tỷ USD của Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam cũng chịu cảnh ngổn ngang hoang phế cả chục năm nay...
Sàng lọc nhà đầu tư FDI
Theo Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu thực trạng hiện nay cho thấy cần sàng lọc nguồn vốn ngoại, vì có những doanh nghiệp không đủ vốn, thường xin giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian… để tiếp tục “ôm” quyền sử dụng quỹ đất đã được cấp phép.
“Chính sách thu hút FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi” – ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng cho rằng cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, thiết kế, dự toán, khả năng xây dựng và quản lý để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, thực lực, khả năng kết nối thị trường du lịch, bất động sản quốc tế.
Có thể bạn quan tâm