“Làm mới” ga đường sắt
Mới đây, Cục Đường sắt (Bộ GTVT) đã có dự thảo báo cáo tổng kết Luật Đường sắt, trong đó đề cập tới quy định cho phép các ga đường sắt được xây dựng công trình kinh doanh thương mại, văn phòng.
>>> "Bình oxy" của đường sắt
Cục Đường sắt đánh giá, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, muốn đầu tư vào các ga đường sắt lớn, có lợi thế thương mại như ga Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng... Tuy nhiên, chưa có dự án nào cụ thể được triển khai.
Cần bắt kịp xu hướng
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tổng Công ty Đường sắt (VNR) cho biết: Trong khi các loại hình vận tải hàng không, hàng hải được giao tài sản hạ tầng cho doanh nghiệp để khai thác, kinh doanh, đường sắt lại chưa được phép. Nhà ga là điểm đến, điểm đi, tại đây có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ... chứ hoàn toàn không đơn thuần là việc trung chuyển hành khách. Vì thế, nhiều quốc gia đã đầu tư các ga bằng nguồn ngân sách từ trung ương và địa phương, kể cả cho phép doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác tham gia.
Có thể bạn quan tâm |
Cũng theo ông Minh, Luật Đường sắt đã cho phép kinh doanh dịch vụ thương mại và văn phòng tại các khu ga. Cụ thể, Nghị định 46/2018/NĐ-CP cho thấy có thể kêu gọi đầu tư vào khu ga, giao cho Bộ GTVT xây dựng đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo điều 5 Nghị định 46/2018/NĐ-CP, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cùng với Bộ GTVT xây dựng đề án và trình lên, trong đó giải pháp đột phá nhất chính là định giá lại 297 khu ga của ngành đường sắt theo thị trường và giao cho VNR theo hình thức tăng vốn Nhà nước.
“Đối với đường sắt, chúng tôi đề nghị cơ chế định giá lại giao cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ quản lý, vận hành khai thác, đầu tư theo quy hoạch của địa phương và quy hoạch của ngành. Giá trị gia tăng ở các khu ga này còn lớn hơn đối với các lĩnh vực khác. Ngoài cung cấp dịch vụ cho hành khách còn cung cấp toàn bộ dịch vụ cho cư dân xung quanh và đây là lợi thế thương mại rất lớn để chúng ta kinh doanh, khai thác”- ông Minh kiến nghị.
Thí điểm kêu gọi đầu tư
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, tại Tokyo (Nhật Bản), các khu mua sắm đông đúc tập trung ở các khu vực xung quanh ga tàu điện, nhất là những ga có mật độ hành khách đi lại lớn. Ngay từ khi lên kế hoạch xây dựng, Nhật Bản đã có những định hướng rõ ràng cho phần không gian dưới đường sắt. Những không gian đó không chỉ sắp xếp làm các kho chứa hay bãi đậu xe mà còn được xây dựng thành tổ hợp các nhà hàng, văn phòng, khu trung tâm thương mại (TTTM)...
Ngoài ra, tại Anh, các số liệu gần đây từ công ty Network Rail cho thấy doanh thu bán lẻ đang tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Công ty quốc doanh này đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh số bán lẻ liên tiếp trong hơn 5 năm qua trên 17 nhà ga. Thậm chí, vào năm 2016, công ty đã kiếm được 748,8 triệu bảng.
Từ việc quan sát thực tiễn Việt Nam và thế giới, GS Trần Thọ Đạt, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Nhà ga không chỉ đơn thuần là trạm trung chuyển, mà có thể trở thành TTTM, khu vui chơi, dịch vụ… thậm chí có những nhà ga có thể biến thành những bảo tàng ấn tượng. Đối với Việt Nam, ông cho rằng, học tập kinh nghiệm của các nước phát triển là rất tốt, tuy nhiên không thể sao chép hoàn toàn mà phải áp dụng với điều kiện cụ thể.
“Muốn kết hợp nhà ga thành trung tâm thương mại, dịch vụ,… thì phải cân nhắc đến tiềm năng khai thác, phải đặt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM,.. Đặc biệt tại châu Âu, nhiều nhà ga thực sự là các công trình kiến trúc. Vậy nên, nếu cải tạo nhà ga thành TTTM thì phải là các TTTM đặc biệt, không bị hiện đại hoá hoàn toàn mà phải mang nét truyền thống” - GS Đạt nói.
Có thể bạn quan tâm