Miền đất hứa phía đông Hà Nội

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT 29/10/2022 05:00

Sông Hồng không chỉ có ý nghĩa lịch sử chiến lược đối với sự phát triển của Thủ đô mà nó còn ẩn chứa những tiềm năng phát triển địa kinh tế vô cùng quan trọng.

>>> Lực hấp dẫn phía Đông Hà Nội

Đề án mở rộng Hà Nội đã được phê duyệt như hiện nay được nghiên cứu lựa chọn từ 5 Phương án, trong đó Phương án 1 được lựa chọn như hiện nay và Phương án 5 có tư duy giống như tư tưởng phát triển mới.

Phân tích địa kinh tế của Hà Nội mở rộng

Nhìn lại lý do lựa chọn phương án phát triển Thủ đô hiện nay một phần là do Hà Nội không mặn mà với đất đai phía Đông và phía Bắc vì chuyện dễ dàng bảo vệ Thủ Đô. Con sông Hồng như một lá chắn quốc phòng cho Thủ đô bình an dấu kín phía trong sông Hồng bao đời nay. Tên "Hà Nội" cũng từ lý do đảm bảo quốc phòng an ninh đó mà thành.

Phương án 5 lấy sông Hồng làm trung tâm và chia Hà Nội thành 2 nửa cân đối tả và hữu sông Hồng, cụ thể bao gồm Hà Nội cũ; TP. Hà Đông và 4 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín của Hà Tây; huyện Mê Linh và TX. Phúc Yên của Vĩnh Phúc; huyện Từ Sơn và Thuận Thành của Bắc Ninh; huyện Văn Giang và Văn Lâm của Hưng Yên.

Theo Phương án này, phía Bắc và phía Đông Hà Nội ở bên kia sông Hồng với không gian phát triển khá rộng rãi; phía Tây và phía Nam Hà Nội ở bên này sông Hồng với không gian cũng tương đương. Hà Nội ôm lấy đoạn sông Hồng từ điểm cực Nam của Thường Tín - Văn Lâm tới điểm cực Bắc của Đan Phượng - Mê Linh. Phương án 5 càng có hiệu quả cao khi có một hệ thống nhiều cầu, hầm kết nối qua sông Hồng.

Một điểm cần lưu tâm là phong thủy và tâm linh. Việt Nam có "Tứ Bất Tử" gồm Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Bà Cháu Liễu Hạnh. Trong Tứ Bất Tử này, có 3 vị Thánh ngự trên sông Hồng với Tản Viên Sơn Thánh tại núi Ba Vì, Chử Đồng Tử được thờ tại đền giáp Hưmg Yên, và Thánh Gióng trên bờ sông Hồng tại Hà Nội. Đây là những thần linh bảo vệ Thủ đô để nơi này là "phi chiến địa".

 Việc Hà Nội phát triển ra hướng Đông sẽ tận dụng được kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh (Cầu Vĩnh Tuy). Ảnh: M.Anh

Việc Hà Nội phát triển ra hướng Đông sẽ tận dụng được kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh (Cầu Vĩnh Tuy). Ảnh: M.Anh

Phương án 5 hợp lý nhất lại không được lựa chọn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chắc chắn các yếu tố địa kinh tế và phong thủy không được đề cập trong xem xét, lựa chọn.

Một dòng sông lớn rất có ý nghĩa về nhiều mặt đối với một thành phố. Không gian kinh tế rộng hơn, đa dạng hơn tạo nên mật độ kinh tế cao hơn. Sông lớn cũng là một giải pháp kết nối thành phố với nhiều trung tâm kinh tế khác tạo ra một tuyến giao thông - vận tải thuận tiện và công suất lớn. Mặt nước sông lại là một giải pháp môi trường rất phù hợp đối với không gian đô thị.

Về mặt phong thủy (tức là gió và nước), dòng sông luôn là yếu tố nước vận động tự nhiên làm ra sinh khí của vùng đất mả dòng sông đó chẩy qua. Sông Hồng ở đoạn Hà Nội cũng tạo ra dáng vẻ uốn lượn, ngần ngừ như không muốn chảy ra biển. Đất Hà Nội như níu giữ dòng sông đứng lại, đừng chảy đi nữa.

Nhìn trực diện về địa hình, phái Bắc và phía Đông Hà Nội (bên kia sông Hồng) có địa hình cao, thoát nước rất nhanh và không bị ngập lụt do mưa lớn. Dáng địa hình cao này kéo tiếp đến phần bên này sông Hồng. Đi tiếp nữa lại là vùng trũng luôn bị ngập lụt.

Cơ hội phát triển phía Đông Hà Nội

Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về sông Hồng để lấy hết tiềm năng từ đó cho phát triển Hà Nội. Đừng để dòng sông này đóng vai "quốc phòng" chủ đạo, hãy bắt sông Hồng đóng vai tạo động lực kinh tế để phát triển Hà Nội. Một dải đất gắn với sông Hồng và đất phía Đông và phía Bắc Hà Nội phải trở thành đất vàng.

Sự thực, Hà Nội đã được mở rộng như hiện nay và được quy hoạch phát triển về phía Tây. Điều này là đúng vì có muốn quy hoạch phát triển về phía Đông cũng không còn không gian. Phía Tây mới có không gian đủ rộng để phát triển. Chúng ta không nên bình luận thêm về việc tiến tiếp về phía Tây sẽ ra sao.

>>> Thành phố đa chức năng ven sông Hồng

Chỉ cần so sánh mức độ phát triển tự thân của các địa phương trước đây, Bắc Ninh đã đạt được mức phát triển cao hơn Hà Tây cũ rất nhiều, mặc dù cùng ở cạnh Hà Nội. Hơn nữa, Hà Nội phát triển gấp gáp về phía Tây nhưng giải pháp chống ngập lụt tốn khá nhiều tiền nhưng vẫn ngập ngày càng nặng, lời giải chống ngập vẫn chưa thành.

Khoanh lại phía Đông Hà Nội hiện nay, địa bàn chỉ còn mỗi quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Như trên đã nói sơ qua về cả yếu tố địa kinh tế và yếu tố phong thủy, mặc dù không được quy hoạch nhưng vẫn đủ tiềm năng để tự phát triển.

Nếu đất đai phía Đông Hà Nội còn rộng, ví như có cả Thuận Thành, Từ Sơn, Văn Giang, Văn Lâm, tính khan hiếm sẽ thấp hơn rất nhiều. Trên thực tế, đất đai phía Đông Hà Nội còn rất hẹp, nên tính khan hiếm được đẩy lên khá cao.

Trong đầu tư BĐS, tính khan hiếm của đất đai luôn tạo nên lợi nhuận cao cả về giá trị BĐS tăng lên, lẫn khai thác kinh doanh BĐS đó.

Gần đây, khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã quan tâm tới khu vực phía Đông Hà Nội. Đây là những quyết định đầu tư khá chính xác. Nhiều dự án lớn đã chiếm gần hết chỗ của quận Long Biên. Một số dự án lớn đang triển khai trên địa bàn huyện Gia Lâm, chẳng mấy mà Gia Lâm cũng không còn dư địa. Sớm thôi, phía Đông Hà Nội sẽ là một vùng đô thị sầm uất.

Có thể bạn quan tâm

  • Lực hấp dẫn phía Đông Hà Nội

    Lực hấp dẫn phía Đông Hà Nội

    00:30, 26/10/2022

  • Chủ tịch VietstarLand: Bất động sản phía Đông Hà Nội -

    Chủ tịch VietstarLand: Bất động sản phía Đông Hà Nội - "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

    03:00, 25/10/2022

  • Phía Đông Hà Nội: Tọa độ mới của bất động sản Thủ đô

    Phía Đông Hà Nội: Tọa độ mới của bất động sản Thủ đô

    11:10, 24/10/2022

  • Sức hút phía Đông Hà Nội

    Sức hút phía Đông Hà Nội

    00:21, 23/10/2022

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT