Hà Nội: Siết chặt điều chỉnh quy hoạch
Cử tri Hà Nội kiến nghị Thành phố cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.
>>> Không “hy sinh” công trình phúc lợi để phát triển nhà ở
UBND TP Hà Nội vừa trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp HĐND lần thứ 10. Theo đó, cử tri kiến nghị UBND TP Hà Nội cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, đảm bảo các đồ án quy hoạch, các dự án khu đô thị, công trình xây dựng phù hợp chỉ tiêu quy hoạch phân khu đô thị, giữ đúng định hướng ban đầu của quy hoạch. “Thành phố cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng”, cử tri kiến nghị.
Trả lời cử tri, UBND TP cho biết: Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011. Trong đó, xác định lộ trình theo từng giai đoạn với mục tiêu "xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng xã hội kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế trí thức và bảo vệ môi trường..."
Theo UBND TP Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ điều kiện điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
UBND TP Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nâng cao chất lượng trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị, khai thác sử dụng tài nguyên hiệu quả…
Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TP HCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.
Điển hình như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Cho đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng ở đây tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 đến 34 tầng. Các tiện ích chung, khu đất công cộng của cư dân bị thu hẹp dần, dân số cũng tăng lên khiến cơ sở hạ tầng sập sệ.
Những khu vực đô thị phát triển khác như hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long (huyện Hoài Ðức)… sau những trận mưa lớn, đều rơi vào tình trạng bị cô lập với các tuyến đường xung quanh do nước ngập sâu tại các lối ra, vào. Còn tại khu vực phía Tây Hà Nội có rất nhiều dự án bất động sản với hàng ngàn tỷ đồng đang đắp chiếu…
Mới đây nhất, Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Công ty Nam Thăng Long) đề xuất xin điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn II và giai đoạn III. Trong đó, khu cao tầng dịch vụ thương mại được đề xuất theo hướng tăng mật độ xây dựng khối đế, khối tháp từ 25,5% lên 50% (khối đế) và tối đa 35% (khối tháp); tầng cao trung bình từ 15 tầng tăng lên khoảng 25 tầng; hệ số sử dụng đất từ 3,8 lần lên 7,03 lần.
>>> Động lực cho Hà Nội đổi mới chính quyền đô thị
Chia sẻ với DĐDN, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.
Theo ông Tùng, một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động. Hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập.
Để giải bài toán tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, ông Tùng đề xuất cần tuân thủ nguyên tắc tham vấn ý kiến từ cộng đồng - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch đó và quá trình điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải được công khai, minh bạch, phải bỏ hẳn cơ chế xin cho.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát chặt quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị
03:00, 26/09/2022
Quảng Nam kiến nghị điều chỉnh quy hoạch làng đại học Đà Nẵng
10:05, 12/08/2022
Điều chỉnh quy hoạch cảng Liên Chiểu “hút” nhà đầu tư
02:00, 25/07/2022
Không tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch
11:11, 18/06/2022
Không điều chỉnh quy hoạch chạy theo lợi nhuận nhà đầu tư
20:01, 14/06/2022