Quảng Ninh: Ưu tiên nguồn lực cho phát triển đô thị
Với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, bằng sự kế thừa phát triển, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển đô thị.
>>>Tạo đột phá trong đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững
Từ không gian phát triển
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Để tạo nguồn lực cho phát triển đô thị, Quảng Ninh đã xác định công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch là khởi nguồn của sự phát triển, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực... Tỉnh đã lập các lớp quy hoạch từ đô thị, vùng huyện, phân khu chức năng, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung toàn tỉnh đến nay đạt 100%.
Đồng thời, mạnh dạn đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đầu tư hạ tầng giao thông đảm bảo các quy hoạch định hướng.
Được biết, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã huy động hơn 123.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, KCN, khu công nghệ cao của tỉnh..., tạo hệ sinh thái đô thị bền vững, gắn kết.
Đến nay, tỉnh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (TP Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã là đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 3 đô thị được công nhận là loại IV (huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà), 4 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V thuộc các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô. Dân số khoảng 1,35 triệu người, có trên 70% người sống tại các đô thị.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Quảng Ninh hiện là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%, cao hơn so với trung bình cả nước (40,5%), đặc biệt là ở các đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí...
Các đô thị có quy mô lớn, phân bố tập trung tại khu vực ven biển, nằm trên các tuyến giao thông của tỉnh hoặc quốc gia, nơi có điều kiện xây dựng hoặc nằm trong vùng tài nguyên về du lịch, cảnh quan tại trung tâm du lịch, khai thác mỏ, công nghiệp.
…đến phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại
Theo lãnh đạo UBND TP Hạ Long: Thời gian qua, TP Hạ Long tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt trong xây dựng đô thị, qua đó, từng bước phát huy hiệu quả, tạo tiền đề phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững.
Một trong những giải pháp quan trọng được thành phố ưu tiên thực hiện là huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Để làm được điều này, địa phương đẩy mạnh phối hợp với các ngành của tỉnh, các nhà đầu tư khẩn trương GPMB tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư chiến lược đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư là giải pháp đột phá, sau khi sáp nhập, TP Hạ Long đã tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông động lực và giao thông đối ngoại, rà soát chặt chẽ danh mục các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối.
Đồng thời, thành phố thực hiện duy tu bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, quan tâm hoàn thiện tổ chức giao thông đô thị; cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với các địa phương trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trên cơ sở đó hoàn thiện mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại, kết nối liên kết vùng, tạo hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; là động lực, điểm nhấn thu hút đầu tư ngoài ngân sách, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, tạo điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, thiết lập trật tự an toàn giao thông.
Từ năm 2021 đến nay, địa phương triển khai nhiều dự án giao thông động lực như: Tuyến đường kết nối từ điểm đầu cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng (phường Giếng Đáy); dự án đường đấu nối QL279 đến tỉnh lộ 342; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang (xã Thống Nhất); dự án đường Hồng Hải - Hà Lầm...
Đến nay đã có 43 dự án, công trình đã và đang triển khai thực hiện với mức đầu tư trên 340 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án, công trình đã thi công xong. Quá trình triển khai được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng với 1.500 hộ dân tham gia hiến đất, công trình để GPMB với giá trị ước đạt 55 tỷ đồng.
Cùng với từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ, du lịch... thành phố cũng ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện lộ trình chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số.
Cùng với đó, công tác môi trường được chú trọng thực hiện. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, nhiều phong trào tham gia vệ sinh môi trường được thực hiện, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương. Thành phố phê duyệt 46 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp với quy hoạch đô thị ra khỏi các khu dân cư; 100% KCN, CCN có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động; tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát lộ trình đóng cửa mỏ, nhà máy ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường sau khi khai thác than, khoáng sản (giai đoạn 2022-2024)...
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Giai đoạn tới, Quảng Ninh đề ra mục tiêu tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo mô hình chuỗi đô thị. Nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững.
Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra một số chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm, lộ trình thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển đô thị gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp dịch vụ hiện đại để thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp. Quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị.
Đồng thời, thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh và yêu cầu thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo, lấy mục tiêu nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, chất lượng hạ tầng xã hội và đô thị, nhất là hạ tầng người dân đô thị còn đang thiếu hụt làm mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị; phát triển đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, hợp tác quốc tế, liên kết vùng để phát triển kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số và một số ngành kinh tế mới nổi...
Theo ông Trần Văn Hùng – Giám đốc Công ty xây dựng Hải Nam cho biết: Thời gian qua các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy liên kết các vùng, với sự quyết liệt của các cấp ngành địa phường trong việc chủ động, tích cực trong xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn. Để phấn đấu mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
"Tôi mong rằng với sự nỗ lực ấy sẽ được rút ngắn, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về xây dựng Quảng Ninh ngày một giàu đẹp, văn minh, một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực và cả nước" - ông Hùng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm