An cư cho người lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
>> Phát triển an toàn, lành mạnh thị trường bất động sản
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 mới đây đã có nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm về vấn đề nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khảo sát cho thấy nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà. Mặt khác, có 2/3 công nhân có con nhỏ gửi về quê, đồng thời nhiều công nhân dành khoảng 2/3 thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân và nuôi con nhỏ.
Trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng thông tin, cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông Sinh cũng cho biết hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…
>>> Thủ tướng: Phát triển nhà ở xã hội cần "nói đi đôi với làm"
Trước các kiến nghị trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động. Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá trong đó có giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
"Đồng thời, các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan" - Thủ tướng chỉ đạo.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, vừa qua Bộ Xây dựng đã hoàn thành Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê… để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã đề xuất 1 mục riêng về phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân, người lao động, góp phần thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.
Có thể bạn quan tâm