Yêu cầu các địa phương thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội

PHƯƠNG UYÊN 01/02/2023 03:00

Bộ Xây dựng đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”.

>>> Thủ tướng: Phát triển nhà ở xã hội cần "nói đi đôi với làm"

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng, trong năm 2022 các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.

Lãnh đạo TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng kiểm tra dự án nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh và Mê Linh. Ảnh: Viết Thành

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị kiểm tra dự án nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh và Mê Linh. Ảnh: Viết Thành

Trong quý IV/2022, cả nước có 01 dự án nhà ở thu nhập thấp với 986 căn được cấp phép mới tại Quảng Ninh; có 05 dự án với 2.106 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng; có 401 dự án với khoảng 454.360 căn hộ đang triển khai xây dựng, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

ThS.KTS. Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Không chỉ Trung ương mà các địa phương phải coi nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và đưa nội dung này vào như một chỉ tiêu bắt buộc của phát triển kinh tế - xã hội các địa phương như Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị đã quy định. 

>>>NHNN vẫn khuyến khích cho vay nhà ở xã hội

Theo ông Chiến, trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn như hiện nay chỉ có phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thật mới là điểm sáng. Phân khúc ấy, chính là nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện nguồn cung không thể chỉ từ một phía doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ hết sức cho các doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm này. Một là cơ chế chính sách; Hai là nguồn vốn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận; Ba là quy hoạch và sử dụng đất. Cùng với đó là thực hiện tốt chính sách miễn tiền sử dụng đất để giảm bớt giá đầu ra của sản phẩm.

“Khi hiểu rõ được những điều kiện cơ bản mà một doanh nghiệp cần có khi tham gia phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, Nhà nước sẽ đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Có như vậy mới hấp dẫn được doanh nghiệp vào phát triển phân khúc nhà ở xã hội” – ông Chiến cho biết.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, HoREA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.

HoREA cho rằng, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Như vậy sẽ khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; cũng như đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. 

HoREA đề xuất, nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, theo HoREA, nếu bỏ quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030, phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội. 

Bộ Xây dựng cho biết số liệu tổng hợp về nhà ở từ hơn 40 địa phương, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ và mục tiêu hoàn thành cho giai đoạn này là khoảng 1,8 triệu căn.

Ở giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).

Sang giai đoạn 2025-2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 1,1 triệu căn (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).

Có thể bạn quan tâm

  • "Nóng" nhà ở xã hội

    03:00, 29/01/2023

  • Đề xuất trích 10% tiền trúng đấu giá đất để phát triển nhà ở xã hội

    Đề xuất trích 10% tiền trúng đấu giá đất để phát triển nhà ở xã hội

    05:00, 17/01/2023

  • NHNN vẫn khuyến khích cho vay nhà ở xã hội

    NHNN vẫn khuyến khích cho vay nhà ở xã hội

    03:31, 04/01/2023

  • Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bất cập quy định về nhà ở xã hội

    Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bất cập quy định về nhà ở xã hội

    03:00, 07/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Yêu cầu các địa phương thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO