Nhà ở xã hội - Làm sao đến đúng đối tượng?
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa yêu cầu rà soát hồ sơ đăng ký mua khối nhà B2 - khu chung cư NOXH khu công nghiệp Hòa Khánh do phát hiện một số trường hợp có đóng thuế thu nhập cá nhân.
>>Nhà ở xã hội Hải Dương: Giấc mơ ngày một xa vời
Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, hiện nay, một số trường hợp đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn có văn bản cam kết không phải trường hợp đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, qua phối hợp rà soát, Cục Thuế TP. Đà Nẵng xác định một số trường hợp có mã số thuế thu nhập cá nhân, có đóng thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập cao cũng mua nhà ở xã hội
Theo đó, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng yêu cầu CTCP Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước khẩn trương rà soát, lập danh sách các trường hợp đã được xét duyệt mua nhà ở xã hội tại khối nhà B2 thuộc dự án khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh không có văn bản xác nhận thuế thu nhập cá nhân của Cục Thuế TP. Đà Nẵng và các chi cục thuế trên địa bàn, báo cáo trước ngày 25/5 để thực hiện công tác rà soát, hậu kiểm.
Từ năm 2019 đến nay Đà Nẵng phát hiện hơn 130 chung cư, nhà ở xã hội cấp sai đối tượng, sử dụng sai mục đích. Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng đã phối hợp UBND các quận, huyện cưỡng chế thu hồi 57 căn hộ chung cư xã hội. Tuy nhiên 80 căn hộ khác vẫn chưa có phương án giải quyết.
Trên thực tế, nhu cầu lớn, nguồn cung "nhỏ giọt" thời gian qua các dự án nhà ở xã hội được mở bán nhận được sự quan tâm lớn từ người dân, cảnh xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ diễn ra ở hầu hết các dự án.
Tại Đà Nẵng, khi dự án Chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, mở cửa nhận hồ sơ, hàng trăm người đã xếp hàng nộp hồ sơ.
Tại Hà Nội, tình trạng tương tự cũng diễn ra khi dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mở bán. Gần 1 tháng kể từ thông báo mở hồ sơ, mỗi ngày gần 2 giờ sáng, người dân đã xếp hàng "ghi danh" vì mỗi ngày chỉ 40 hồ sơ được tiếp nhận.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến nội dung xem xét các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Hiện tượng tiêu cực này cũng được Bộ Xây dựng ghi nhận xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có cư dân mua hai căn hộ xã hội tại dự án số 30 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy để đập thông, mở rộng diện tích. Ở nhiều dự án, chủ sở hữu không sinh sống tại căn nhà xã hội đã mua, mà bán, cho thuê lại.
>>Quy định mới về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội
Quy định chặt chẽ đối tượng mua
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, hơn một thập kỷ qua nhà ở xã hội trở thành một trong những phân khúc có mức giá chênh cao bậc nhất thị trường căn hộ, dẫn đến tình trạng nhiều người dù không có nhu cầu sử dụng vẫn nộp hồ sơ dưới dạng thu nhập thấp để có thể mua được nhà.
Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, các quy định cần đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ hơn về đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Góp ý về chính sách phát triển nhà ở xã hội tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), vị chuyên gia cho biết cần rà soát, bổ sung đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp.
Về hình thức, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 74, 75), căn cứ Điều 73 được chỉnh lý như đề xuất trên cần tiếp tục cụ thể hóa tiêu chí thế nào là thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể, để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng của chính sách, đồng thời có các hình thức hỗ trợ phù hợp.
Ví dụ, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thì nhu cầu về nhà ở sẽ khác với hộ nghèo ở nông thôn; hoặc hộ nghèo nông thôn thì nhu cầu nhà ở, hình thức hỗ trợ sẽ khác với đối tượng là công nhân các khu công nghiệp.
"Do vậy, chúng tôi cơ bản đồng tình với cách phân loại đối tượng, hình thức và điều kiện hỗ trợ được quy định tại Điều 74 và 75 dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng cần rà soát, bổ sung cho đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể, bảo đảm bao quát và sự hợp lý, công bằng của chính sách" - Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, các chế tài liên quan đến việc mua - bán trục lợi nhà ở xã hội vẫn còn lỏng lẻo. Pháp luật mới chỉ quy định xử phạt đối với người thực hiện hành vi mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đúng quy định của pháp luật, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực liên quan đến nhà ở xã hội còn chưa được điều chỉnh. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật và sự thiếu đồng bộ về cơ sở dữ liệu cũng là những nguyên nhân của tình trạng quản lý yếu kém.
Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần điều chỉnh mức thu nhập thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thực tế vì với mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng sẽ làm hạn chế đối tượng được mua.
Đặc biệt, cắt giảm điều kiện đối với thuê nhà ở xã hội (chỉ cần là đối tượng thu nhập thấp), đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ cần đảm bảo hai điều kiện là chưa có nhà ở và thu nhập thấp.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng rà soát các trường hợp “tranh” mua nhà ở xã hội
10:54, 17/05/2023
Quy định mới về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội
03:00, 12/05/2023
Nhà ở xã hội Hải Dương: Giấc mơ ngày một xa vời
03:00, 11/05/2023
Đồng bộ cơ chế miễn tiền sử dụng đất với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
05:00, 10/05/2023