Quảng Ninh: Nhiều dư địa phát triển bất động sản công nghiệp
Với việc xây dựng kế hoạch phát triển mới cho các KCN, KKT theo hướng tăng “xanh” giảm “nâu”, Quảng Ninh sẽ có nhiều lợi thế để phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Xuất khẩu tăng mạnh trở lại
>>>Quảng Ninh: Gắn trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công cho người đứng đầu
Với thế mạnh là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh được xác định là động lực tăng trưởng cốt lõi của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Nguồn cung lớn
Địa phương này cũng có nhiều tiềm năng to lớn trong việc phát triển thương mại xuyên biên giới, thương mại đường biển, dịch vụ thương mại và đóng vai trò trung tâm trung chuyển đa phương thức trọng điểm của khu vực, đáp ứng sự phát triển của ngành chế biến, sản xuất và logistics.
Quảng Ninh cũng là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI nhờ môi trường đầu tư luôn được cải thiện, thể hiện qua việc tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 6 năm liên tiếp (2017 - 2022).
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các KCN, KKT.
Theo Quy hoạch định hướng phát triển các KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 16 KCN, 5 KKT. Thời gian qua, các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng… Trong đó triển vọng nhất là các KCN tại KKT ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với 8 KCN, tổng diện tích là 7.123,85 ha.
>>>Quảng Ninh: Kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh
Với dư địa lớn, Quảng Ninh đang là điểm sáng của thị trường bất động sản khi phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, tại KCN Bắc Tiền Phong do DEEP C làm chủ đầu tư, Quảng Ninh khởi công dự án phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong, với diện tích quy hoạch 7,4ha. Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ các dự án sản xuất, kinh doanh tại KCN Bắc Tiền Phong, góp phần tạo thêm lợi thế trong việc thu hút đầu tư.
Đến cuối tháng 3/2023, cũng tại KCN này, thị trường Quảng Ninh tiếp tục đón nhận dự án Core5 Quảng Ninh khởi công. Đây là dự án bất động sản công nghiệp chất lượng quốc tế thứ 2 tại Quảng Ninh thuộc chủ đầu tư Indochina Kajima, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản).
Theo ông Peter Ryder - Giám đốc điều hành Indochina Capital cho biết, loại hình nhà xưởng xây sẵn để cho thuê sẽ thu hút những khách thuê tìm kiếm các giải pháp bất động sản chất lượng cao, bền vững và linh hoạt. Với vị trí địa lý thuận lợi gần các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, kết nối dễ dàng với hệ thống đường cao tốc hiện đại và cảng biển nước sâu quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn như Jinko Solar, Stavian, Foxconn, Boltun, Skoda kéo theo sự hiện diện của các nhà cung ứng cho những doanh nghiệp này…
Còn theo ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C cho biết, theo kế hoạch trong năm 2023, DEEP C sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng của KCN Bắc Tiền Phong để sẵn sàng đón các dự án lớn sử dụng công nghệ cao. Việc chuẩn bị hạ tầng chất lượng cao cũng là một trong những yếu tố quan trọng để DEEP C đóng góp vào mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT của Quảng Ninh trong năm 2023.
Đổi mới mô hình phát triển
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng “xanh” giảm “nâu”; đặc biệt là trong các KCN.
Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã duy trì tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Hiện có 7 KCN đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, quan trắc nước thải tự động. Quan điểm thu hút dự án đầu tư vào tỉnh là lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, tạo sự lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhân - Đại diện chủ đầu tư KCN Sông Khoai cho biết, hiện có 10 nhà đầu tư đang nghiên cứu và có kế hoạch đầu tư vào KCN trong năm nay, trên tổng diện tích gần 100ha, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỷ USD. Hiện, phía doanh nghiệp đang khẩn trương chuẩn bị mặt bằng, bổ sung, nâng cấp hạ tầng thiết yếu để đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất đón các nhà đầu tư thứ cấp.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư KCN Sông Khoai, quan điểm của chủ đầu tư là luôn nhất quán với định hướng áp dụng công nghệ hiện đại, quản lý nguồn lực và năng lượng hiệu quả, chọn lọc thu hút ngành nghề đầu tư công nghệ cao, xanh sạch vào KCN, đặc biệt sẽ chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đảm bảo chất lượng chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện đang rà soát, định vị lại tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển các KCN, CCN bằng việc xây dựng kế hoạch phát triển mới; đặt ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2040 với mục tiêu rõ ràng gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển nhanh, đồng bộ các KCN, CCN có kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, kết nối liên thông tổng thể, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Mới đây, tại buổi khảo sát, làm việc với tỉnh Quảng Ninh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về một số nội dung liên quan đến đầu tư phát triển các KCN, thu hút đầu tư tại địa bàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp đã bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm, nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ về nhu cầu sử dụng điện trong KCN, khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các KCN; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có phương án đấu nối, đầu tư các trạm TBA theo quy hoạch để cấp điện cho các KCN. Đồng thời, xem xét giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án đầu tư, các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm tạo điều kiện để các địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành nắm bắt, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có những chủ trương điều chỉnh phù hợp. Quan điểm là ưu tiên tối đa cho sự phát triển của địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế.
Có thể bạn quan tâm